Xây dựng chính quyền Xây dựng chính quyền

Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã
27/06/2019 | 11:30  | View Count: 788

Sáng ngày 27/6/2019, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến quý II/2019 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã để kiểm điểm tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản (XDCB) cấp Thành phố và cấp quận, huyện, thị xã; tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm của Thành phố; triển khai kế hoạch đảm bảo cấp, thoát nước mùa hè năm 2019 và công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn.

Đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cùng các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Văn Sửu - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố chủ trì hội nghị.

Đầu cầu quận Hoàn Kiếm có các đồng chí: Bùi Hoàng Phan – Phó Bí thư Thường trực Quận ủy; Phạm Tuấn Long – Quận ủy viên, Phó chủ tịch UBND quận; các đồng chí đại diện lãnh đạo các phong, ban, đoàn thể quận và các phường dự hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về tiến độ giải ngân vốn XDCB cấp Thành phố, cho biết, trong 5 tháng đầu năm, toàn Thành phố giải ngân 6.871 tỷ đồng, đạt 15,3% kế hoạch giao đầu năm. Ước giải ngân 6 tháng đầu năm 2019, đạt 14.467 tỷ đồng, bằng 31% kế hoạch. Trong đó, cấp Thành phố giải ngân được 7.005 tỷ đồng (đạt 26,8%); cấp huyện giải ngân được 7.462 tỷ đồng (đạt 36%). Toàn Thành phố cũng đã khởi công 28/126 dự án khởi công mới trong năm 2019…

Theo phân tích của UBND Thành phố, nút thắt làm cho tỷ lệ giải ngân thấp tập trung vào các dự án trọng điểm được giao vốn lớn nhưng chưa khởi công; công tác GPMB còn vướng mắc, số lượng các dự án khởi công mới chưa đạt kế hoạch; một số dự án chuyển tiếp không giải ngân được do vướng GPMB; một số dự án đã có khối lượng thực hiện nhưng chưa được giải ngân do các chủ đầu tư đang hoàn tất công tác nghiệm thu...

Đối với các dự án khởi công mới, nguyên nhân chậm triển khai do mất nhiều thời gian thực hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán; các công trình dân dụng còn phải lập và duyệt thiết kế PCCC... Các nguyên nhân trên dẫn đến việc mở thầu và khởi công chậm. Dự kiến, từ quý III/2019, nhiều công trình mới sẽ khởi công, tỷ lệ giải ngân sẽ tăng lên.

Nhìn chung, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đã giao của nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách và ODA còn chậm so với yêu cầu, đặc biệt là nhóm các dự án chuẩn bị đầu tư theo hình thức PPP đang phải tạm dừng chờ Nghị định hướng dẫn.  

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố phát biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân chính làm tỷ lệ giải ngân vốn XCDC đạt thấp và ảnh hưởng đến tiến độ các công trình trọng điểm chính là GPMB chậm. Nhiều dự án đã bố trí kinh phí GPMB nhưng chưa thực hiện được, dẫn đến chưa giải ngân, trong khi đó, tỷ lệ vốn bố trí cho GPMB của mỗi công trình, dự án rất lớn. Ngoài ra, năng lực của các ban quản lý dự án chưa đáp ứng yêu cầu; một số dự án đã có khối lượng thi công, nhưng khâu hoàn thiện hồ sơ đủ điều kiện để ra kho bạc thanh toán lại rất chậm, dẫn đến chưa được giải ngân...

 Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho rằng, mặc dù Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng tiến độ giải ngân vốn XDCB không đảm bảo và có xu hướng chậm dần. Do vậy, phải kiểm điểm nghiêm túc vấn đề này để khắc phục. Đồng chí cũng nêu rõ những nguyên nhân đã nêu nhưng chưa được tập trung tháo gỡ. Đồng chí đề nghị, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố phải kiểm điểm nghiêm túc, rõ việc, rõ trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, báo cáo Thường trực Thành ủy. Xem xét công tác điều hành, từng đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách các ban quản lý dự án, các sở để trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện với chủ đầu tư trong quá trình liên thông giải quyết TTHC và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Từng đơn vị cần chủ động làm tốt các nội dung, công việc thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình, đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ dự án, đảm bảo cải cách tối đa các TTHC. Đồng chí cũng nhấn mạnh yêu cầu về cơ chế, chính sách đặc thù cho các ban quản lý dự án để thu hút nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực quản lý của các ban…

                                                                                                      Nguồn: HoanKiem portal

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn Hà Nội có nên xây dựng thành phố thông minh hay không?