Xây dựng chính quyền Xây dựng chính quyền

Tìm hiểu về các điểm mới của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 về vai trò của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu bồi thường
30/03/2018 | 17:30  | View Count: 285

So với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) 2009, Luật TNBTCNN 2017 đã có nhiều quy định mới, quan trọng liên quan đến người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu bồi thường, cụ thể như sau:

Thứ nhất, người được nhờ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp thông qua cơ chế đại diện theo quy định của pháp luật dân sự đã chính thức được thừa nhận là một chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017.

            Cụ thể là, theo quy định tại Điều 5 về quyền yêu cầu bồi thường, Luật đã bổ sung chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường là cá nhân, pháp nhân được những người quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường” (khoản 4). Có thể nói rằng, đây là điểm mới hết sức quan trọng của Luật TNBTCNN 2017 bởi đã xác lập địa vị pháp lý rõ ràng của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, theo đó, họ không chỉ là người đại diện cho người yêu cầu bồi thường mà còn là người yêu cầu bồi thường.

Thứ hai, quyền được nhờ người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại cũng đã được quy định là một quyền trong Luật TNBTCNN 2017.
          Cụ thể là, tại điểm d khoản 1 Điều 13 của Luật đã quy định, theo đó, người bị thiệt hại có quyền
nhờ người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình”. Điểm mới nêu trên của Luật TNBTCNN sẽ giúp thống nhất nhận thức pháp luật về TNBTCNN, trong đó, khẳng định rõ việc người bị thiệt hại có quyền nhờ người khác để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình chứ không mơ hồ, chung chung như Luật TNBTCNN 2009.

Thứ ba, người được nhờ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu bồi thường đã được ghi nhận là một thành phần thương lượng bắt buộc trong Luật TNBTCNN 2017.

Cụ thể là, tại điểm c khoản 3 Điều 46 của Luật, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (nếu có) của người yêu cầu bồi thường sẽ được tham gia thương lượng nếu họ được những người sau đây nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: (1) người bị thiệt hại; (2) người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; (3) tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại và (4) người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự. Có thể nói rằng, đây cũng là điểm mới rất quan trọng của Luật TNBTCNN 2017 bởi một khi người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp đã là một thành phần thương lượng bắt buộc thì việc thương lượng chỉ được coi là đúng đắn, hợp pháp và có giá trị pháp lý nếu có sự tham gia của họ.

Tóm lại, từ việc khẳng định được vị trí, vai trò trong việc hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện có hiệu quả quyền yêu cầu bồi thường của mình trong thực tiễn thi hành Luật TNBTCNN 2009, Luật TNBTCNN 2017 đã chính thức ghi nhận địa vị pháp lý của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu bồi thường cũng như của người bị thiệt hại. Theo đó, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu bồi thường cũng như của người bị thiệt hại bên cạnh việc hỗ trợ người yêu cầu bồi thường, người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thì trong những giai đoạn nhất định của quá trình giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, họ có tư cách của một chủ thể độc lập trong quá trình thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, tham gia giải quyết bồi thường để bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại. Khi Luật TNBTCNN 2017 có hiệu lực thi hành thì những quy định có liên quan đến người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại sẽ góp phần đáng kể vào việc bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại.

Hà Lê

(Phòng Tư pháp quận)

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn Hà Nội có nên xây dựng thành phố thông minh hay không?