Chế độ chính sách Xây dựng chính quyền và thực hiện pháp luật Chế độ chính sách Xây dựng chính quyền và thực hiện pháp luật

Tìm hiểu quy định mới của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018
28/06/2019 | 11:30  | View Count: 1162

1. Mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập

Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi đã được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua ngày 20/11/2018 và bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2019, một trong những điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 là mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập. Những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được Luật này quy định tại Điều 34. Theo đó, các đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập không còn được gói gọn ở “một số cán bộ, công chức” như quy định tại Luật cũ, mà được mở rộng gồm:

1. Cán bộ, công chức.

2. Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.

3. Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

4. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Bên cạnh đó, ngoài các loại tài sản, thu nhập phải kê khai như quy định trước đây, như: Nhà, đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài. Luật mới yêu cầu các đối tượng nêu trên còn phải kê khai thêm công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng. Đồng thời, các đối tượng còn phải kê khai cả tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 36, Luật Phòng chống tham nhũng thì: Người có nghĩa vụ kê khai phải thực hiện kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Trường hợp có biến động tài sản như trên mà không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm xác minh. Thời điểm kê khai tài sản, thu nhập trước ngày 31/12. Bản kê khai tài sản, thu nhập phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.

Một điểm mới cũng nhận được sự quan tâm khá nhiều của dư luận đó là, kê khai không trung thực có thể bị buộc thôi việc. Theo Khoản 3 Điều 51, cán bộ, công chức kê khai không trung thực về tài sản, thu nhập có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: Cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm.

2. Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, khu vực ngoài nhà nước

- Tại Chương VI, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018: Quy định phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, đã thể hiện sự nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; trách nhiệm của tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nói chung trong việc xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định việc áp dụng Luật đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân.

- Tại Điều 80, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định: Các doanh nghiệp, tổ chức này phải áp dụng các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; kiểm soát xung đột lợi ích; chế độ trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Luật cũng quy định về thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, (quy định tại Điều 81).

3. Nhiều quy định mới về xử lý tham nhũng

Về việc xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, quy định tại Chương IX. Đây là chương có nhiều nội dung mới được bổ sung, thể hiện sự nghiêm minh trong xử lý tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tăng cường hiệu quả thực thi Luật Phòng, chống tham nhũng và hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng.

Đối với xử lý tham nhũng, so với Luật hiện hành, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 đã quy định rõ các nguyên tắc về xử lý tham nhũng (từ điều 92 đến Điều 93). Đối với xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 đã bổ sung quy định về liệt kê các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng và quy định mang tính nguyên tắc xử lý đối với các hành vi này. Điều 95 của Luật cũng quy định xử lý hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

4. Cơ quan xảy ra tham nhũng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định thành một Chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa và đề cao vai trò của người đứng đầu. Theo đó, quy định nội dung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng (Điều 70); quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác (Điều 71). Điều 72 của Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức do mình quản lý, phụ trách.

Cụ thể: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ tham nhũng; Cấp phó phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới.

Luật quy định như vậy nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là từng bước mở rộng hoạt động này ra khu vực ngoài nhà nước, kiểm soát có hiệu quả về tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn. Việc mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước gồm nhiều nội dung là chương mới, nội dung mới, thể hiện sự nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng chống tham nhũng.

Bài: Hà Lê

(Phong Tư pháp quận)

Tuyên truyền và phổ biến pháp luật Tuyên truyền và phổ biến pháp luật

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn Hà Nội có nên xây dựng thành phố thông minh hay không?