Các địa điểm thăm quan Các địa điểm thăm quan

Phố cổ Hà Nội trong lòng người nước ngoài
30/09/2011 | 00:00  | Lượt xem: 500

Phố cổ Hà Nội trong lòng người nước ngoài

 

Phố cổ Hà Nội

Nhiều người nước ngoài lần đầu tiên tới Hà Nội phố cổ cảm thấy không thoải mái thậm chí còn lo lắng sợ hãi khi lạc chân vào những dãy phố mang những cái tên na ná, nằm ngang dọc, lộn xộn với hàng chục cửa hàng bán những sản phẩm cùng chủng loại, những hàng ăn hai bên đường tấp nập kẻ vào người ra, hay hòa vào dòng người và xe cộ đi lại như mắc cửi.

Nhưng rồi cảm giác đó dần dần qua đi thay vào đó là sự yêu mến da diết khi họ nhận ra cuộc sống của con người Hà Nội đầy náo nhiệt, đầy sức sống, không ngừng chuyển động nhưng cũng rất nên thơ với những cô gái tươi tắn quẩy gánh hàng hoa điểm tô thêm nét đẹp của Hồ Gươm nằm ngay trung tâm thành phố

Xích lô – Nétđẹp của phố cổ Hà Nội

Đường phố

Chantrelle Nielson, cô bạn người Mỹ đã sống gần một năm ở Hà Nội trong khu phố cổ kể lúc đầu cô thấy sợ khi đi bộ ở phố cổ vì không thể đi trên vỉa hè và cảm thấy như mình sắp bị xe chẹt. “Đường phố quá lộn xộn và tên thì lại rất khó nhớ. Mỗi khi đi bộ trong phố, tôi cảm thấy như phải cố gắng bơi trong một dòng sông chảy xiết.”

Bạn cũng không thể đứng ở mọi vị trí mà nhìn ngắm thành phố vì như thế sẽ cản đường người khác, và tiếng ồn thì quả là điên khùng, Chantrelle nói.“Nhưng khi đã tìm được một chỗ ‘đậu,’ bạn có thể ở đó cả ngày chỉ để ngắm nhìn mọi hoạt động diễn ra. Điều thích thú nhất trên phố cổ là ngồi ở những nhà hàng hay quán cà fê trên tầng hai hoặc ba mà ngắm nhìn dòng người, xe cộ, những ngôi nhà có mái hiên với những chú chim hót trong lồng, và sinh hoạt của những gia đình quanh đó – đó là nơi sống động nhất tôi đã từng đến.”

Những con phốđược xem là hồn của Hà Nội

Phố cổ Hà Nội, thường được gọi nôm na là 36 phố phường, nằm trên diện tích khoảng 100 hécta ở quận Hoàn Kiếm, trung tâm thành phố Hà Nội, bao quanh bởi phố Hàng Đậu ở phía Bắc, Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ ở phía Nam, Trần Nhật Duật-Trần Quang Khải ở phía Tây và Phùng Hưng ở phía Đông.

Ðặc điểm chung của các phố cổ Hà Nội là nhiều tên phố bắt đầu bằng từ “Hàng”, tiếp đó là một từ chỉ một nghề nghiệp nào đó, ví dụ như Hàng Bạc, Hàng Mã, Hàng Thiếc, Hàng Chiếu… Phố nào cũng ồn ào, náo nhiệt cảnh mua bán, lao động như một làng nghề thu nhỏ. Như đến phố Hàng Thiếc, bạn sẽ nghe râm ran tiếng búa gõ vào những mảnh tôn, mảnh thiếc trắng lấp lánh, sẽ bắt gặp hình ảnh những người thợ thiếc cặm cụi làm các đồ dùng từ nhỏ đến lớn như chân đèn, thùng, chậu, gáo múc nước, hòm, bể nước…


Nghề làmtre, trúcđã thay thế hoàn toànphườngvải xưa

Trong cuốn sách “Những con rồng trên mái nhà – một năm ở Việt Nam,” nhà văn Carol Howland có nhận xét: “Đi bộ ở Hà Nội 36 phố phường giống như len lỏi tìm đường đi trong một bát mì.” Theo cảm nhận của Carol, mặc dù 7 thế kỷ đã đi qua, nhưng mỗi con phố dường như vẫn mang đậm nét của một làng nghề, nơi mà cuộc sống mang tính cộng đồng cao và nghề truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Carol Payne, một sinh viên người Mỹ sang Việt Nam du lịch, cho biết cảm giác lúc đầu khi đi vào khu phố cổ trái ngược hoàn toàn với những gì dễ chịu nhất khi được ngồi dưới vòm lá xanh bên ngoài hiên của quán Âu Lạc, ngay sau khách sạn Metropole, mà nhâm nhi cà fê và nói chuyện với bạn bè.

“Khi đi bộ theo hướng bắc vào khu phố cổ, các con đường thay đổi và bắt đầu ngoằn ngoèo không theo bất cứ một phương hướng nào. Người Việt Nam tôi gặp không thể chỉ đường bằng la bàn như người dân Bắc Mỹ vẫn thường làm. Thực ra, họ cũng chẳng thể chỉ đường cho tôi trên bản đồ. Chẳng có ích gì khi nói rằng tôi đang ở phía nam của quận Hoàn Kiếm,” Carol than thở.

Hàng hoa rong trên phố cổ

Nhưng rồi, sau vài tuần làm quen với phố phường Việt Nam, Carol đã có thể đi bộ mà không mang theo bản đồ. “Nếu bị lạc, tôi sẽ nhảy lên một chiếc xe ôm và chỉ họ địa chỉ để về nhà. Nhưng đi lạc cũng có cái hay. Chính những lúc đó tôi mới cảm thấy mình trải nghiệm sự bất tận của Hà Nội. Có một sự dồi dào của từng chi tiết, cả kiến trúc lẫn cuộc sống con người; những ngôi chùa, người bán hàng rong, những ngõ nhỏ, chợ ven đường và cả những quán cà fê nữa,” Carol hào hứng nói.

Phố cổ, đối với Carol thật đặc biệt. Nó giống như một cửa hàng bách hoá tổng hợp khổng lồ, với những khu vực nơi mà các thương nhân và thợ thủ công cùng kinh doanh một mặt hàng – thứ mà cô không thể thấy trên nước Mỹ. Bên cạnh những toà nhà mang kiến trúc cổ của Pháp, những toà nhà thương mại cao tầng ta có thể đột nhiên bắt gặp một mái đình, một ngôi chùa nằm khuất sâu trong ngõ phố nhỏ. Đó là một nét văn hóa đẹp của người dân Việt Nam.

David Lowe, chuyên gia hiệu đính bản tin tiếng Anh 36 tuổi tới từ Liverpool, nói: “Tôi rất thích đi bộ xuống phố vì chúng thật sự sống động. Hà Nội là nơi tốt nhất tôi từng sống, nơi mà ta cảm thấy thực sự đang sống. Đặc biệt là khu phố cổ, có quá nhiều thứ diễn ra ở đó, chỉ cần dừng lại 5 phút thôi bạn sẽ thấy. Phố cổ mang tới cho Hà Nội nhiều nét tính cách, nhiều nét quyến rũ, khiến cho nó trở nên sống động và gợi nhắc tâm trí mỗi người rằng họ đang sống trong một thành phố năng động thực sự, nơi người dân hối hả vì cuộc sống hàng ngày, rồi âm thanh, mùi vị và những gì mắt ta nhìn thấy, tất cả đều sinh động lạ thường.”

Hà Nội, đúng như Chantrelle nhận xét “nó rất đẹp với nhiều cây xanh, hồ nước… trông như thể thiên nhiên luôn muốn chiếm lại diện tích cho riêng mình trong thành phố.”

Gánh hàng rong và quán vỉa hè

Người nước ngoài đến với Hà Nội như bị cuốn vào một xứ sở bất tận của các món ăn, từ món ăn truyền thống của Việt Nam như bún chả, phở, cháo cá, bún cá…trong các quán nhỏ trên vỉa hè, đến các gánh hàng rong bán trứng vịt lộn, bánh rán, bún ốc, bún đậu mắm tôm, miến cua trộn

Một góc phố cổ Hà Nội

Để phục vụ du khách nước ngoài, các nhà hàng sang trọng dần dần mọc lên với đủ loại món ăn du nhập từ nước ngoài như bánh mỳ nướng kiểu Pháp, mỳ ống và pizza của Italy, sushi của Nhật Bản, cà ri gà xanh hay lẩu Thái, thị bò bít tết kiểu Pháp hay kim chi Hàn Quốc.

“Tôi chưa từng thấy nhớ các món ăn Tây vì có thể tìm thấy bánh mỳ Pháp thực sự ở Việt Nam, thậm chí còn ngon hơn phần lớn những loại bạn có thể mua ở Mỹ… Tôi có thể kể tiếp nhiều nhiều nơi nữa mà tôi nhớ – Tôi nghĩ mình có thể ăn thêm 5 năm nữa ở Việt Nam mà cũng chưa thể khám phá hết những món ăn tuyệt vời nơi đây. Tôi cũng rất thích rượu gạo,” Chantrelle kể.

Cô nói cô không thể quên được đồ ăn ở Hà Nội. Đồ ăn Việt ở Mỹ cũng có nhưng hầu hết làm theo kiểu miền Nam và không hợp khẩu vị. Chantrelle cho biết ở Mỹ không bán bún chả, món mà cô ưa thích. Cô cũng rất thích món phở cuốn ở phố Trúc Bạch, hay cháo cá nóng với thìa là. Những ngày hè oi ả thì Chantrelle thích nhất ăn bưởi, thanh long và dưa hấu – loại trái cây ngon nhất mà cô thường mua của những chị gánh hàng rong.

Còn David, chàng trai người Anh, thì lại thích nhất thịt lợn nướng. Miếng thịt khô vàng ươm có vị thơm ngậy mùi khói. Điều tuyệt vời nhất khi đi bộ ở Phố cổ Hà Nội là có thể dừng lại ở bất cứ chỗ nào để mua hàng rong, thứ hàng quà độc đáo mà không phải nơi nào cũng có được.

Cảm giác đọng lại

Điều hấp dẫn nhất ở Hà Nội đối với du khách nước ngoài, theo David, là con người ở đây. Nếu không có họ, bất cứ thành phố nào trên thế giới cũng chỉ là những con phố, những toà nhà vô tri vô giác. “Tôi thực sự rất thích ở Hà Nội, nó sôi nổi, ồn ào, náo nhiệt, quyến rũ, mỗi cảnh vật, mỗi con người bạn gặp hàng ngày… Tôi ở đây vì cảm thấy mình được chào đón.”

Còn đối với Chantrelle, điều tuyệt vời nhất lưu trong tâm trí cô về thành phố này là được ngắm nhìn mọi sinh hoạt diễn ra trên đường phố và được thưởng thức hương vị độc đáo của các món ăn Hà Nội.

Đối với cô, tất cả như toát lên nguồn sinh lực, nguồn năng lượng của một nền kinh tế đang vươn lên mạnh mẽ, nơi mà người dân ai ai cũng hối hả, thậm chí phải vật lộn để mưu sinh, nhưng cũng đang từng bước giàu có hơn, sung túc hơn./.

(TTXVN)

 

 

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn Hà Nội có nên xây dựng thành phố thông minh hay không?