Thông tin hoạt động của Thành phố Thông tin hoạt động của Thành phố

Hà Nội: Phấn đấu 100% người dân sử dụng sổ sức khỏe điện tử
04/11/2024 | 16:02  | View Count: 50

UBND thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 3613/UBND-KSTTHC về việc triển khai thực hiện Thông báo số 487/TB-VPCP ngày 24-10-2024 của Văn phòng Chính phủ và Văn bản số 8362/TCTTKĐA ngày 19-10-2024 của Tổ công tác triển khai Đề án 06/Chính phủ.

son.jpg

Các bác sĩ khám sức khỏe cho người dân trên địa bàn huyện Mê Linh. Ảnh: Hoàng Sơn

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục quan tâm, thống nhất 3 quan điểm chỉ đạo, điều hành nêu tại phần I, mục B Thông báo số 487/TB-VPCP ngày 24-10-2024 của Văn phòng Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt và hiệu quả.

Cùng với đó, các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã bảo đảm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu: Đến năm 2025, 100% cơ sở y tế (bao gồm cả công lập và tư nhân) và người dân trên địa bàn sử dụng sổ sức khỏe điện tử. Sau năm 2025, mỗi người dân trên địa bàn thành phố kể cả những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế đều sở hữu một sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID và 30% người dân khi đi khám, chữa bệnh có bệnh án điện tử.

Đến năm 2025, 100% người dân có nhu cầu có thể đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) qua VNeID. Tập trung thực hiện "5 đẩy mạnh" gắn với "5 bảo đảm" nêu tại nội dung 1a, phần III, mục B Thông báo số 487/TB-VPCP ngày 24-10-2024 của Văn phòng Chính phủ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng, tập trung truyền thông các kỹ năng quan trọng cho người dân như phòng, chống thiên tai, bão lũ, phòng cháy, chữa cháy trên các nền tảng số.

UBND thành phố giao Sở Y tế tham mưu UBND thành phố bảo đảm nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và các điều kiện cần thiết để thực hiện sổ sức khỏe điện tử qua VNeID, hoàn thành trong năm 2024 và thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử trên địa bàn thành phố. Đồng thời, bám sát Quyết định số 2733/QĐ-BYT ngày 17-9-2024 của Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm thực hiện Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID; khẩn trương tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch triển khai trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố thực hiện việc rà soát, làm sạch dữ liệu, bảo đảm 100% cơ sở khám, chữa bệnh liên thông dữ liệu lên bảo hiểm xã hội; 100% liên thông, cập nhật dữ liệu khám, chữa bệnh, xét nghiệm, chuyển tuyến, hẹn khám lại để người dân sử dụng.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp Công an thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm triển khai đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; người dân xuất trình sổ sức khỏe, giấy chuyển tuyến, hẹn khám lại trên VNeID được chấp thuận và sử dụng; chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố tổ chức thực hiện công tác thông tin, truyền thông; phấn đấu đạt 80% tỷ lệ người dân sử dụng trên VNeID/tổng số người dân đến khám, chữa bệnh; phấn đấu đạt 80% tỷ lệ người dân tích hợp bảo hiểm y tế, sổ sức khỏe, giấy chuyển tuyến, hẹn khám lại trên VNeID đối với người dân thường trú trên địa bàn.

Sở Tư pháp tham mưu UBND thành phố bảo đảm nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và các điều kiện cần thiết để thực hiện cấp phiếu LLTP qua VNeID, hoàn thành trong năm 2024; rà soát, chuẩn hóa thông tin LLTP trong Cơ sở dữ liệu LLTP, bảo đảm kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; rút ngắn thời gian cấp phiếu LLTP, hoàn thành trong năm 2024.

Công an thành phố thực hiện đôn đốc, nâng cao tỷ lệ làm sạch dữ liệu án tích, xóa án tích và phối hợp Sở Tư pháp làm sạch, cập nhật đầy đủ, chính xác cơ sở dữ liệu LLTP. Phối hợp với các đơn vị: Tư pháp, thông tin và truyền thông, y tế trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; làm đầu mối tổng hợp kết quả triển khai thực hiện, báo cáo Tổ công tác triển khai Đề án 06/Chính phủ theo quy định.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/ha-noi-phan-dau-100-nguoi-dan-su-dung-so-suc-khoe-dien-tu-683448.html

 

 

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn Hà Nội có nên xây dựng thành phố thông minh hay không?