Thông tin hoạt động HĐND Thông tin hoạt động HĐND

Tổ đại biểu số 2 HĐND TP tái giám sát về quản lý và sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn quận
20/06/2019 | 17:30  | View Count: 669

Chiều ngày 20/6/2019, Tổ đại biểu số 2 của HĐND Thành phố do đồng chí Dương Đức Tuấn – Tổ trưởng Tổ đại biểu số 2, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm đã làm việc với quận Hoàn Kiếm, tái giám sát về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tại Báo cáo số 293/BC-TDDBS2 ngày 29/11/2018 và chỉ đạo của UBND Thành phố tại công văn số 6228/UBND-ĐT ngày 20/12/2018 về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Quận Hoàn Kiếm có diện tích 5,28km2 gồm 18 đơn vị hành chính. Mặc dù diện tích của Quận nhỏ nhưng tập trung dày đặc cơ quan, tổ chức Trung ương, địa phương, các tổ chức kinh tế… với nhiều hình thái sở hữu nhà, sử dụng đất công (gọi tắt là tài sản công). Các tài sản này chịu sự điều tiết của Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và chịu sự quản lý của nhiều cơ quan (các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; UBND thành phố Hà Nội, các Sở, ngành Thành phố; UBND Quận, phường).

Theo báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm, Quỹ nhà là trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc Trung ương và Thành phố có: 124 cơ quan Trung ương quản lý và sử dụng 141 địa điểm; 189 cơ quan Thành phố quản lý và sử dụng 310 địa điểm. Hiện nay, có một số cơ quan hành chính sự nghiệp được giao đất không thu tiền sử dụng đất tận dụng diện tích đất mặt phố, diện tích dôi dư để cho thuê, cho mượn, liên kết kinh doanh với đơn vị khác không đúng quy định. Một số cơ quan khác, được cơ quan nhà nước cho thuê đất, thuê nhà đã cho thuê lại để hưởng chênh lệch lợi nhuận… Những trường hợp trên làm ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, thất thu thuế, mất mỹ quan đô thị.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn, UBND quận đã có ban hành các văn bản yêu cầu UBND 18 phường và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát, tổng hợp báo cáo UBND quận.

Năm 2018, Quận đã tổ chức kiểm tra, rà soát các nội dung: sử dụng nhà đất chưa đúng mục đích, chưa kê khai nộp tiền thuế đất, không nhận thông báo thu tiền thuê đất và các đơn vị được hưởng ưu đãi miễn giảm tại 79 địa điểm. Kết quả đã truy thu 118,782 tỷ đồng tiền thuê, thuế đất.

Quận đã thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực đất đai đối với 17 tổ chức, đơn vị được nhà nước giao đất cho thuê đất …. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Quận đã đề xuất UBND Thành phố thu hồi 02 cơ sở nhà đất (số 5 Ngô Thì Nhậm, số 2 ngõ Hàng Chỉ) và giao cho Quận bổ sung vào quỹ đất phục vụ mục đích công cộng.

Đồng thời Quận cũng kiến nghị Sở Tài nguyên Môi trường, Thanh tra Thành phố thanh, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng đất tại một số đơn vị: Nhà hát Lớn - số 1 Tràng Tiền,  19 Hàng Khoai,  22-24 Hàng Bài – 25-27 Hai Bà Trưng…

Quỹ nhà chuyên dùng do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà Hoàn Kiếm quản lý: Tổng số trên địa bàn Quận có 450 địa điểm. Trong đó, 253 địa điểm công ty đang ký hợp đồng cho thuê, 30 địa điểm là trụ sở đơn vị hành chính sự nghiệp, 160 địa điểm còn tồn tại vướng mắc vi phạm.

Quỹ nhà này thường có quy mô diện tích nhỏ lẻ, sử dụng đan xen với nhiều chủ sở hữu trong cùng biển số nhà, chất lượng nhà đã xuống cấp; nhiều địa điểm thuê đã bị lấn chiếm, có vi phạm. Tại nhiều địa điểm, các đơn vị sử dụng đã tự bỏ kinh phí để sửa chửa, cải tạo nâng cấp nhà. Một số tổ chức tận dụng mặt phố liên doanh, liên kết, cho thuê lại, nợ đọng tiền thuê đất, thuê nhà, sử dụng sai mục đích. Cá biệt có 26 trường hợp chuyển toàn bộ diện tích sang mục đích ở, 06 trường hợp đã chuyển một phần diện tích sang mục đích ở. Hiện tượng này đã làm giảm hiệu quả quản lý và gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Quỹ nhà ở cũ: Đây là quỹ nhà phức tạp về diện tích nhà, tình trạng sở hữu, diện tích quản lý sử dụng chung – riêng; nhất là sau khi thực hiện việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61/CP của Chính phủ, chuyển hóa từ sở hữu Nhà nước sang sở hữu tư nhân dẫn đến nảy sinh nhiều phức tạp trong công tác quản lý nhà đất, về công trình phụ, sân vườn chung – riêng.

Phần lớn nhà ở và các biệt thự cũ (từ thời Pháp thuộc) được bố trí nhiều hộ sử dụng, diện tích sân chung bị lần chiếm, tình trạng xây dựng không phép, sai phép đã phá vỡ kiến trúc, cảnh quan, mất mỹ quan đô thị.

Theo thống kê của UBND 18 phường hiện có 1.702 biển số nhà hiện đang ký hợp đồng thuê nhà với Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.

Ngoài ra hiện trên địa bàn quận còn 836 căn hộ, nhà đất tập thể thuộc diện cơ quan tự quản. Đấy là quỹ nhà tập thể được xây dựng giai đoạn 1960 – 1980, đến nay đã xuống cấp, hết niên hạn sử dụng, thuộc diện nhà nguy hiểm. Quỹ này chưa được bàn giao, tiếp nhận để quản lý, ký hợp đồng cho thuê và bán nhà theo quy định. Cụ thể: Văn phòng Bộ Giáo dục tại 16,18…36  Hàm Tử Quan; Khu tập thể của Sở Điện lực Hà Nội tại 823 Hồng Hà, phường Chương  Dương; Cơ quan Phòng cháy chữa cháy tại 23 Phan Chu Trinh; Bộ Xây dựng tại 20 Lê Thánh Tông, Khu tập thể của Bội Y tế 13 Phan Huy Chú phường Phan Chu Trinh...

Ngày 06/8/2018, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 17/2018/QĐ-UBND quy định chi tiết một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố về quản lý, sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố để xử lý một số vướng mắc trong việc tiếp nhận quản lý, ký hợp đồng cho thuê, bán nhà và cấp Giấy chứng nhận. Tuy nhiên việc thực hiện còn chậm và lúng túng, cử tri quận Hoàn Kiếm đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết dứt điểm như số nhà 4A-4B Đường Thành, số 6 và 16 Cửa Đông, phường Cửa Đông…

Quỹ nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước do quận quản lý, sử dụng: hầu hết có quy mô diện tích nhỏ lẻ, có vị trí rải rác, đặc biệt có một số cơ sở nhà đất còn sử dụng đan xen với các hộ dân (UBND phường Hàng Trống, UBND phường Phan Chu Trinh), đan xen với di tích (Đảng ủy phường Hàng Trống, Trụ sở UBND phường Cửa Đông, trường Mầm non 1-6, trường Mầm non Tuổi thơ….), một số đơn vị chức năng của quận phải sử dụng nhiều điểm lẻ; còn thiếu so với tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; quy mô chưa tương xứng với cơ quan công quyền, giảm hiệu quả phục vụ nhân dân trên địa bàn.

Trên địa bàn Quận có trên 600 tổ dân phố nhưng đến nay mới có 27 tổ dân phố có trụ sở sinh hoạt cộng đồng. Như vậy nhu cầu về thiết chế văn hóa cơ sở là hết sức cấp thiết…

Kết quả thực hiện sau giám sát, UBND quận đã ban hành các văn bản để giải quyết từng trường hợp cụ thể theo chỉ đạo của UBND Thành phố.

 Tại buổi làm việc, đồng chí Dương Đức Tuấn – Tổ trưởng Tổ đại biểu số 2, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm đã ghi nhận các kết quả của quận Hoàn Kiếm trong thực hiện Báo cáo số 293/BC-TDDBS2 ngày 29/11/2018 và chỉ đạo của UBND Thành phố tại công văn số 6228/UBND-ĐT ngày 20/12/2018 về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Đồng chí đề nghị quận Hoàn Kiếm tiếp tục rà soát và giải quyết các trường hợp nhà, đất cho phù hợp với giai đoạn hiện nay. Cùng với đó cần tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhà đất, theo đúng chỉ đạo của UBND Thành phố.

Đồng chí Nguyễn Quang Thắng – Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Dương Đức Tuấn – Tổ trưởng Tổ đại biểu số 2, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm phát biểu kết luận buổi làm việc.

                                                                                                                    Nguồn: HoanKiem portal

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn Hà Nội có nên xây dựng thành phố thông minh hay không?