Tin Văn hóa- Xã hội Tin Văn hóa- Xã hội

Chính quyền và người dân chung tay đẩy lùi dịch bệnh
31/03/2020 | 08:55  | View Count: 474

Từ ngày 26-3, nhiều cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu ở khu vực nội thành Hà Nội bắt đầu đóng cửa, ngừng kinh doanh. Ðến ngày 28-3, khi Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, hầu hết các quận, huyện, thị xã đã thực hiện nghiêm túc nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp chưa tự giác chấp hành quy định, đã bị các lực lượng chức năng xử phạt nghiêm.

Người dân tự giác chấp hành

Mặc dù từ 0 giờ ngày 28-3, Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế tụ tập đông người, ngừng kinh doanh các dịch vụ không thiết yếu mới bắt đầu có hiệu lực, nhưng từ tối 26-3, ngay sau khi UBND thành phố ban hành Văn bản số 1047/UBND-KGVX, nhiều cửa hàng, cửa hiệu trên địa bàn, nhất là ở khu vực nội thành đã tự giác đóng cửa sớm. Các con phố vắng người qua lại. Ðến sáng 28-3, hầu hết các hoạt động tụ tập đông người đã chấm dứt; các cửa hàng kinh doanh đóng cửa.

Ðịa bàn quận Hoàn Kiếm là nơi diễn ra các hoạt động thương mại sầm uất, nhất là các tuyến phố Tràng Tiền, Hàng Bài, Tràng Thi, Bà Triệu, Hai Bà Trưng... và khu vực phố cổ, trừ các hiệu thuốc, cây xăng, siêu thị, cửa hàng bán lương thực, thực phẩm vẫn mở cửa hoạt động, tất cả các cửa hàng còn lại đã ngừng kinh doanh. Khu vực tuyến phố Nguyễn Hữu Huân bình thường dày đặc các quán cà-phê, nhưng đến nay các cửa hàng đều đóng cửa. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Chí Lực cho biết: "Ngay từ ngày 25-3, nhận được chủ trương của thành phố, quận Hoàn Kiếm đã khẩn trương quán triệt đến lãnh đạo 18 phường trên địa bàn. Các phường đều thành lập tổ công tác tiến hành vận động người dân ngay trong tối 25 và ngày 26-3 đóng cửa hàng quán và không tụ tập đông người. Người dân quận Hoàn Kiếm đều ý thức tốt về việc phòng, chống bệnh dịch, cho nên đã chủ động hợp tác với cơ quan chức năng thực hiện việc dừng kinh doanh". Theo thống kê của UBND quận Hoàn Kiếm, cho đến 18 giờ tối 29-3, gần 5.900 hộ kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu trên địa bàn quận và 1.850 hộ kinh doanh các mặt hàng này tại chợ Ðồng Xuân đã nghiêm túc chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chủ trương của UBND thành phố, các lực lượng chức năng của quận chưa phải xử phạt một trường hợp vi phạm nào.

Một khu vực nổi tiếng về tụ tập quán xá là phố Triệu Việt Vương (quận Hai Bà Trưng), hầu hết các cửa hàng ngừng đón khách. Chỉ có lác đác một vài cửa hàng tiếp tục mở cửa, nhưng chỉ bán cho khách đem về. Các khu vực vốn nhiều quán xá, tụ tập đông người như: hồ Xã Ðàn, hồ Hoàng Cầu (quận Ðống Ða), hồ Tây (quận Tây Hồ), hồ Ðền Lừ (quận Hoàng Mai)... các hàng quán đều được giải tán. Chủ tịch UBND quận Ðống Ða Võ Nguyên Phong cho biết, 57 cơ sở tôn giáo trên địa bàn đã dừng hoạt động. Nhà thờ Thái Hà cam kết thực hiện các hoạt động qua in-tơ-nét. Quận Thanh Xuân là địa bàn có nhiều tuyến phố có lưu lượng giao thông lớn, kinh doanh sầm uất, nhưng hơn 90% cửa hàng đã đóng cửa. Chị Ngô Thị Phượng, chủ cửa hàng kinh doanh đồ gỗ số 550 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) cho biết: "Ngày 26-3, tôi nhận được công văn của UBND phường Thanh Xuân Bắc về việc ngừng hoạt động kinh doanh. Việc đóng cửa ngừng kinh doanh sẽ khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn, nhưng đây là chủ trương chung của thành phố, cho nên chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành và mong mọi người thực hiện nghiêm túc để góp phần phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh". Sáng 28-3, Ban Chỉ đạo 197 phường Vĩnh Phúc (quận Ba Ðình) và phường Bưởi (quận Tây Hồ) phối hợp ra quân tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh hoa, cây cảnh, cá cảnh, chim cảnh trên các tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Bưởi, Thụy Khuê... dừng kinh doanh, để phòng, chống dịch. Hầu hết các cửa hàng đều chấp hành nghiêm túc. Trên các tuyến phố, lực lượng công an, quản lý trật tự đô thị ứng trực, thường xuyên rà soát, nhắc nhở người dân. Tại khu vực ngoại thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðông Anh Lê Thị Tám cho biết, huyện đã triển khai các đoàn kiểm tra tình hình ngừng hoạt động kinh doanh tại các xã, thị trấn. Ngoài hoạt động của các quán ka-ra-ô-kê đã được dừng từ trước đó, tại các tuyến phố chính tại thị trấn Ðông Anh, tuyến đường chính tại các xã như: Ðông Hội, Xuân Canh, Nam Hồng... phần lớn các hộ dân kinh doanh dịch vụ ăn uống chấp hành tốt quy định của thành phố.

Trái với sự lo lắng của một số người về tình trạng "đầu voi, đuôi chuột", ngày 30-3, ngày thứ ba thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc chấp hành quy định của người dân Thủ đô còn tốt hơn những ngày đầu. Hầu hết các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ không thiết yếu đã đóng cửa. Ngay cả một số quầy hàng bán thực phẩm tươi sống tại các chợ cóc trong các ngõ, khu tập thể cũng tạm dừng hoạt động. Nhiều quán ăn đã dừng bán hẳn. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở nhiều địa phương khác.

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Mặc dù TP Hà Nội đã khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, chỉ ra ngoài khi có việc thật cần thiết và phải đeo khẩu trang ở những địa điểm công cộng, song vẫn còn rất nhiều người khi đi tập thể dục tại các công viên, vườn hoa lại không chịu đeo khẩu trang, đứng cạnh nhau ở cự ly gần. Tại hồ Hoàng Cầu, hồ Thành Công (quận Ðống Ða), Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), vườn hoa 1-6, số 178 phố Nguyễn Lương Bằng (quận Ðống Ða), Công viên Nghĩa Ðô (quận Cầu Giấy), hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) trong các ngày từ 28 đến 30-3 vẫn có nhiều người đi bộ, tập thể dục, tập dưỡng sinh, đánh cầu lông... tụ tập thành nhóm. Trong Công viên Thống Nhất vẫn có một số thanh niên chơi bóng đá và đập tay ăn mừng mỗi khi có bàn thắng.

Trước thực tế này, lực lượng Công an tại các quận, huyện, thị xã đã vào cuộc xử lý những trường hợp chưa thực hiện nghiêm quy định. Tính đến sáng 30-3, quận Hoàn Kiếm đã xử lý 23 trường hợp không đeo khẩu trang, quận Tây Hồ xử lý 11 trường hợp; các quận Ba Ðình, Ðống Ða... đều đã xử lý một số trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng để răn đe. Trung tá Dương Bảo Thạch, Phó Ðội trưởng Cảnh sát giao thông - trật tự - phản ứng nhanh, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, việc đôn đốc nhắc nhở, cũng như xử lý người không đeo khẩu trang, tụ tập đông người khi ra nơi công cộng sẽ tiếp tục được thực hiện trong nhiều ngày tới để người dân không lơ là, chủ quan.

Ðối với việc dừng hoạt động kinh doanh, ý thức tuân thủ quy định còn chưa đồng đều. Ở các quận Hoàn Kiếm, Ðống Ða, Hoàng Mai,... người dân cho biết hễ cửa hàng nào mở cửa thì lập tức bị lực lượng chức năng nhắc nhở. Nhưng tại quận Long Biên, các cửa hàng trên các tuyến phố chính thực hiện tương đối nghiêm việc đóng cửa, tuy nhiên trong một số ngõ nhỏ ở các phường: Việt Hưng, Ngọc Thụy, Ðức Giang..., các cửa hàng kinh doanh dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm đẹp, rửa xe, bán sim thẻ điện thoại, quần áo... vẫn hoạt động. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra trên địa bàn các phường Yên Hòa, Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) hay một số quán cà-phê ở khu vực đường Trích Sài (quận Tây Hồ)... Dư luận mong muốn, các cơ sở kinh doanh cần tự giác thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về việc hạn chế tập trung đông người, ngừng kinh doanh các dịch vụ không thiết yếu, vì sự an toàn của cả cộng đồng. Những trường hợp cố tình vi phạm, sẽ bị các lực lượng chức năng xử phạt nghiêm.

Theo nhandan.com.vn

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn Hà Nội có nên xây dựng thành phố thông minh hay không?