Thông tin hoạt động của Thành phố Thông tin hoạt động của Thành phố

Đề xuất giảm thuế VAT, tiếp tục gỡ nút thắt để hỗ trợ nền kinh tế
04/11/2024 | 16:01  | Lượt xem: 24

Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có giảm thuế VAT, tháo gỡ nút thắt hỗ trợ nền kinh tế; có giải pháp khích lệ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đại biểu Trần Thị Quỳnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) cho rằng, nhu cầu của nền kinh tế còn yếu, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, chi đầu tư công còn chậm... Vì vậy, đại biểu đề xuất giảm thuế VAT, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ trợ nền kinh tế...

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cần tiếp tục nới lỏng có thực chất chính sách tài khóa, nghiên cứu hỗ trợ mạnh hơn cho những gia đình, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ, thiên tai.

Đại biểu Trần Thị Quỳnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Trần Thị Quỳnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) - Ảnh: Quochoi.vn

Mặt khác, lạm phát tăng trong 4 năm qua nhưng mức thu nhập chịu thuế không tăng. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu nới mức thu nhập chịu thuế nhằm tăng thu nhập khả dụng cho người chịu thuế, góp phần cải thiện chi tiêu, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Về chính sách tiền tệ, đại biểu Trần Thị Quỳnh cho rằng, cần nới lỏng thực chất chính sách tiền tệ, ngân hàng Nhà nước nên có các gói tín dụng cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp ở một số ngành mà chúng ta cần đẩy mạnh như nông nghiệp và thủy sản, du lịch, chế biến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ hơn để triển khai nhanh chóng gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội và nên có doanh nghiệp Nhà nước cùng tham gia thực hiện mục tiêu này.

Ngoài ra, cần tăng vốn quyết liệt hơn, tăng cường khả năng cho vay của ngân hàng thương mại, giúp ổn định đồng đô la Mỹ nhằm hạn chế tình trạng găm giữ đô la Mỹ cũng như cải thiện khả năng cho vay của ngân hàng thương mại.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, để hoàn thành các mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cần quan tâm đến các sản phẩm nông sản, thủy sản, công nghệ số mang thương hiệu Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) - Ảnh: Quochoi.vn

Tiêu dùng nội địa tuy có sự phục hồi mạnh, trong 9 tháng tăng trưởng 8,8% nhưng vẫn còn thấp so với trước dịch COVID-19. Do đó, cần phải có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là giảm thuế cũng như khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó là quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo hiểm và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025... 

Đại biểu cho rằng, việc Quốc hội chuẩn bị thông qua các dự án luật, nghị quyết tại Kỳ họp này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế.

Tạo sự đột phá để khích lệ doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp

Đồng tình với những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chính phủ trong năm 2025, trong đó có giải pháp đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, khả thi, Đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng) cho rằng: nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vẫn phản ánh về những rủi ro, khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp do các điều kiện kinh doanh quá khắt khe, không phù hợp. Nhiều sản phẩm, dịch vụ được áp dụng điều kiện kinh doanh có thể là biện pháp quản lý quá mức cần thiết.

Các đại biểu tham dự phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Các đại biểu tham dự phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Vì vậy, đại biểu cho rằng, thay vì đặt ra các điều kiện kinh doanh, Nhà nước nên sử dụng các biện pháp khác như ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp; quy định các yêu cầu đối với sản phẩm, hàng hóa trước khi lưu thông vào thị trường.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, phân loại và có biện pháp xử lý, tháo gỡ các rào cản về điều kiện kinh doanh. Cần dứt khoát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không được ban hành trong các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, cần có các giải pháp đồng bộ, tạo sự đột phá để tạo động lực khích lệ doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp. 

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình) cho rằng, để tiếp tục thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Chính phủ cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng. Tập trung vào việc ban hành và thực thi hiệu quả các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, nhất là về pháp lý, định giá đất và tiếp cận vốn. Triển khai hiệu quả Nghị định 73 về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình) - Ảnh: Quochoi.vn

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) phản ánh việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số cơ quan vẫn còn tình trạng kéo dài, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát - nhất là trong quá trình phối hợp, trao đổi, lấy ý kiến khi giải quyết thủ tục hành chính giữa các bộ, ngành. 

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính để tạo sự lan truyền mạnh mẽ về đổi mới, cải cách từ Trung ương đến địa phương; thực hiện đúng, đủ, nghiêm túc các quy định, nguyên tắc và thực hiện thủ tục hành chính. Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp”.

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/de-xuat-giam-thue-vat-tiep-tuc-go-nut-that-de-ho-tro-nen-kinh-te.html

 

 

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn Hà Nội có nên xây dựng thành phố thông minh hay không?