Chuyên trang thông tin Cải cách hành chính
Năm 2023, thành phố Hà Nội xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đạt 91,43% và là năm thứ 2 liên tiếp đạt kết quả này.
Sáng 17-4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức hội nghị Công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 và Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quang cảnh hội nghị.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì hội nghị.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội tham dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải.
Bộ Tư pháp, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu về Chỉ số PAR INDEX
Theo Bộ Nội vụ, năm 2023, Chỉ số CCHC cấp bộ được sử dụng đánh giá, xếp hạng 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 2 cơ quan đặc thù (Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc), bao gồm 7 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần. Chỉ số CCHC cấp tỉnh được sử dụng đánh giá, xếp hạng 63 UBND tỉnh, thành phố, với 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần.
Để triển khai, đánh giá xác định Chỉ số CCHC năm 2023, Bộ Nội vụ đã khảo sát hơn 89.000 phiếu, trong đó, có 39.765 phiếu của người dân; 49.458 phiếu điện tử khảo sát nhóm đối tượng là công chức, lãnh đạo, quản lý tại các bộ, địa phương và lãnh đạo các hội, hiệp hội.
Các đại biểu dự hội nghị.
Năm 2023 Chỉ số CCHC các bộ, cơ quan ngang bộ có 2 nhóm điểm: Đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%, gồm 14 đơn vị: Bộ Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đạt kết quả Chỉ số CCHC dưới 80% có 3 đơn vị là: Bộ Y tế; Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương.
Bộ Tư pháp dẫn đầu bảng Chỉ số CCHC năm 2023, đạt 89,95%. Bộ Công Thương đứng cuối bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số CCHC năm 2023 đạt 78,03%.
Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng công bố kết quả các chỉ số.
Đối với kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 các tỉnh, thành phố được phân theo 2 nhóm: Nhóm A, đạt kết quả chỉ số từ 90% trở lên có 7 tỉnh, thành phố; nhóm B, đạt kết quả chỉ số từ 80% - dưới 90% có 56 tỉnh, thành phố.
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC với kết quả đạt 92,18%. Từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC cả nước. Xếp vị trí thứ 2/63 là thành phố Hải Phòng, đạt 91,87% (năm thứ 4 liên tiếp); thành phố Hà Nội xếp thứ 3/63, đạt 91,43% (năm thứ 2 liên tiếp). Năm 2022, Hà Nội xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đạt 89,58%.
Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 là tỉnh An Giang, đạt 81,32%.
Với khối tỉnh, thành, đáng lưu ý kết quả đánh giá 8 chỉ số thành phần cho thấy, năm 2023, có 7/8 chỉ số thành phần tăng điểm và 1/8 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2022. Trong đó, tăng cao nhất là Chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số”, với mức tăng 6,6%; Chỉ số thành phần duy nhất có giá trị trung bình giảm so với 2022 là “Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, với mức giảm 1,29%.
Tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu về Chỉ số SIPAS
Năm 2023, Bộ Nội vụ đã triển khai đo lường sự hài lòng của 40.230 người dân và thu thập được ý kiến phản hồi của 39.765 người dân thuộc mọi thành phần nhân khẩu học từ khắp mọi vùng, miền trong cả nước. Từ các ý kiến phản hồi đó, Bộ Nội vụ đã tổng hợp, phân tích dữ liệu và xây dựng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023.
Quang cảnh hội nghị.
Kết quả khảo sát cho thấy, người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước năm 2023 (SIPAS 2023) ở mức 82,66%, tăng so với năm 2022 (80,08%). Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,03% - 90,61%.
Tỉnh Quảng Ninh nhận được mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung cao nhất (90,61%); xếp thứ 2 là tỉnh Thái Nguyên (90,29%). Thấp nhất là tỉnh Bắc Kạn (75,03%).
Thành phố Hà Nội xếp thứ 21, tăng 9 bậc (năm 2022, thành phố Hà Nội đạt 80,16%, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Năm 2023, mức độ mong đợi của người dân đối với 10 nội dung cần cải thiện nằm trong khoảng từ 83,44% - 85,12%, trong đó 3 nội dung người dân mong đợi chính quyền cải thiện nhiều nhất là: Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, với mức 85,12%; tiếp đến là nâng cao chất lượng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, với mức 85,11% và nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, với mức 85,03%.
Hà Nội đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền
Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã tham luận về kinh nghiệm thực tiễn triển khai.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải tham luận tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải tham luận về “Đánh giá một số kết quả và bài học kinh nghiệm trong tổ chức triển khai cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hà Nội”, cho biết: Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, thành phố đã ban hành 76 văn bản liên quan đến kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, chuyển đổi số của thành phố; thành phố đã chủ động ban hành quy chế phối hợp thực hiện liên thông các TTHC khi thực hiện TTHC lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp và Thuế
Theo đồng chí Hà Minh Hải, đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị phối hợp liên thông, giải quyết công việc, giải quyết TTHC thông suốt, hiệu quả, rút ngắn thời gian, giảm thời gian đi lại của người dân, tổ chức; chuẩn hóa quy trình giải quyết công việc, giải quyết TTHC.
Kết quả rõ nét là thành phố đã ban hành 15 quyết định về việc thông qua phương án đơn giản hóa 211 thủ tục hành chính (đạt 29,8%); quyết định ủy quyền giải quyết 578 TTHC; thực hiện tích hợp 781 dịch vụ công trực tuyến một phần, 168 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số 1.191 dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện.
Đến nay, Hà Nội đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công thành phố 318 dịch vụ công toàn trình, 1.554 dịch vụ công một phần. Việc giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn của thành phố đạt tỷ lệ cao, chiếm 99,7%. Đã thực hiện cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử, tỷ lệ khai thác lại thông tin, dữ liệu số hóa: Gần 214.000 hồ sơ, cấp trên 46.500 chữ ký số công cộng miễn phí cho người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố...
Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước đã ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (mức thu bằng “không” áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến (Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023), dự kiến Ngân sách không thu khoảng 37 tỷ đồng/năm khi thực hiện và thời gian thực hiện đến hết 31-12-2025.
Thành phố đã chỉ đạo hoàn thành tái cấu trúc, gần 1.200 TTHC đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần; phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình 110 TTHC được lựa chọn xây dựng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị, căn cứ Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 và Chỉ số CCHC năm 2023, các bộ, cơ quan, địa phương cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chủ động phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, nhận diện rõ nguyên nhân những chỉ số thành phần còn thấp, xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu kết luận.
Cùng với đó là quan tâm chỉ đạo sát sao với những giải pháp thiết thực, mạnh mẽ, hiệu quả nhằm cải thiện thực chất công tác CCHC của bộ, ngành, địa phương. Tập trung cao cho cải cách thể chế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp; rà soát, đơn giản hóa TTHC, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và chế độ công vụ...
Nguồn: https://hanoimoi.vn/ha-noi-duy-tri-xep-thu-3-ve-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-663901.html