Giới thiệu chung Giới thiệu chung

1. Giới thiệu chung

Quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của Thành phố Hà Nội; là trung tâm nội đô lịch sử (lõi đô thị), là nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông đường sắt, đường thuỷ, đường bộ quan trọng, gắn kết quận Hoàn Kiếm với các quận, huyện và tỉnh, thành phố khác trong cả nước; nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của Thủ đô và đất nước. Quận cũng là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Trên địa bàn quận tập trung nhiều các cơ quan Trung ương về lĩnh vực hành pháp, tư pháp, các đại sứ quán, văn phòng đại diện nước ngoài và các cơ quan Đảng, Chính quyền thành phố Hà Nội. Quận là trung tâm hoạt động và hội tụ của nhiều trụ sở Tôn giáo như: Toà Tổng Giám mục; Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Hà Nội; Tổng hội Thánh Tin lành miền Bắc, Hội Thánh tin lành Hà Nội và có một Thánh đường Hồi giáo.

2. Vị trí địa lý

Quận Hoàn Kiếm phía Tây giáp quận Đống Đa; phía Tây Bắc giáp quận Ba Đình và quận Đống Đa; phía Nam giáp quận Hai Bà Trưng; dọc từ phía bắc xuống phía nam là sông Hồng; bên kia sông phía Đông là quận Long Biên. Tổng diện tích tự nhiên là 5,28 km2 (trong đó 4,53 km2 đất dân cư còn lại là diện tích mặt nước và sông Hồng).

Quận Hoàn Kiếm chia thành thành 04 khu vực, gồm: khu phố cổ, khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận, khu phố cũ, khu vực ngoài đê sông Hồng.

- Khu phố Cổ trải rộng trên 81ha; trải qua quá trình hình thành và phát triển hơn 10 thế kỷ, Phố cổ Hà Nội chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của Thủ đô, nơi đây đã và đang chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể và phi vật thể vô giá, góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến; với giá trị lịch sử, văn hóa hết sức quan trọng nêu trên; năm 2004, Khu phố cổ Hà Nội đã vinh dự được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia cần được bảo tồn, tôn tạo đặc biệt và đây là 1 “di sản sống”.

- Quận Hoàn Kiếm nổi tiếng với Hồ Gươm một danh thắng, di tích quan trọng, mang nhiều dấu ấn lịch sử; với 130.000m2 mặt nước và 32.250m2 diện tích cây xanh ven hồ ở giữa trung tâm Thủ đô, Hồ Gươm còn là một cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn và là hồ điều hòa của trung tâm Hà Nội. Năm 2013, di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.

- Nằm kề cận khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận, khu phố cũ được hình thành từ năm 1886, mang phong cách xây dựng đô thị Châu Âu với nhiều công trình kiến trúc có sắc thái riêng mang nhiều đường nét kiến trúc pháp.

- Nằm ở khu vực ngoài đê sông Hồng là 2 phường Chương Dương, Phúc Tân với các khu nhà ở tập thể của các cơ quan, nhà ở của dân lao động. Việc xây dựng tại khu vực này manh mún, chắp vá, chưa có qui hoạch tổng thể.

3. Lịch sử hình thành

Quận Hoàn Kiếm được hình thành cách đây gần 1000 năm, có một bề dày lịch sử phát triển. Thời Tiền Lý, năm 545 Lý Nam Đế đã đóng quân, dựng bè gỗ trên sông Tô Lịch chống lại nhà Lương. Thời kỳ nhà Nguyễn, Minh Mạng lập tỉnh Hà Nội năm 1831, đây chính là đất thuộc huyện Thọ Xương. Trước đây, vùng đất Hoàn Kiếm là ngã ba sông, nơi dòng sông Tô Lịch tách từ sông Nhị, từ phường Giang Khẩu rồi chảy qua các phố phường đông vui, trên bến dưới thuyền. Chính nơi đây là đầu mối giao lưu với “tứ trấn” và cũng là điểm hội tụ nhân tài bách nghệ khắp bốn phương mà tên các phố hôm này còn ghi đậm dấu ấn Hàng Đào, Hàng Trống, Hàng Bạc, Hàng Khay, Hàng Quạt, Hàng Da…

Từ năm 1886, quận Hoàn Kiếm được phát triển về phía Nam hồ Hoàn Kiếm theo kiểu khu phố của người Châu Âu, với hệ thống bàn cờ được hoạch định trước. Đây là một giai đoạn phát triển mới, mang phong cách xây dựng đô thị Châu Âu với nhiều công trình kiến trúc có sắc thái riêng mang nhiều đường nét kiến trúc Pháp.

Từ năm 1954 - 1961, khu vực này gồm khu phố Hoàn Kiếm, khu phố Đồng Xuân và một phần của khu phố Hàng Cỏ, khu phố Hai Bà. Từ truyền thuyết về trả gươm cho Rùa vàng ở hồ Tả Vọng của vua Lê mà hồ được mang tên mới Hoàn Kiếm; năm 1961-1981, vùng đất trung tâm này được gọi là khu Hoàn Kiếm.

Từ tháng 1/1981, khu Hoàn Kiếm chính thức gọi là quận Hoàn Kiếm.

4. Các đơn vị hành chính

Quận Hoàn Kiếm hiện có 18 đơn vị hành chính phường gồm: Cửa Nam, Hàng Bài, Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Đồng Xuân, Hàng Mã, Cửa Đông, Hàng Gai, Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Trống, Chương Dương, Phúc Tân.

Trụ sở Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm tại 126 phố Hàng Trống.

5. Đặc điểm kinh tế - xã hội

Hoàn Kiếm quận trung tâm kinh tế, với mạng lưới các chợ, trung tâm thương mại, các tuyến phố kinh doanh sầm uất và hệ thống các trung tâm tài chính ngân hàng lớn của Nhà nước và nước ngoài, trung tâm dịch vụ kỹ thuật, chất lượng cao đã tạo cho quận Hoàn Kiếm có tiềm năng rất lớn về phát triển kinh tế, tài chính, dịch vụ, thương mại, du lịch của quận và thành phố Hà Nội. Hiện nay, trên địa bàn quận có 11.873 hộ kinh doanh, 73 doanh nghiệp nhà nước, 242 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 4.776 doanh nghiệp ngoài nhà nước, 90 hợp tác xã; hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ thương mại, kinh doanh ở hầu hết các tuyến phố và các chợ chính của quận. Đặc biệt, có chợ Đồng Xuân được xây dựng từ năm 1889 là một trong những chợ truyền thống lâu đời và lớn nhất khu vực miền Bắc, Việt Nam. 

Hoàn Kiếm gắn liền với lịch sử, văn hoá, truyền thống 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với gần 170 di tích lịch sử - văn hoá và di tích cách mạng - kháng chiến, các công trình kiến trúc văn hoá có giá trị, nổi bật là quần thể kiến trúc di tích lịch sử quốc gia khu phố cổ Hà Nội và di tích Quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm.

Mạng lưới trường học, trạm y tế trên địa bàn quận được quan tâm quy hoạch theo hướng hiện đại hóa. Tổng số trường học thuộc quận là 39, trong đó có 21 trường học được công nhận chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 53,85%. Trên địa bàn quận có 18/18 trạm y tế phường đạt Quốc gia y tế cơ sở.  

Với những đặc điểm như trên, trong những năm qua, kinh tế quận Hoàn Kiếm phát triển với mức tăng trưởng cao, bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ, thương mại, du lịch. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ, thương mại, du lịch đạt bình quân 18,3%, chiếm tỷ trọng 98,01% trong cơ cấu kinh tế. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hàng năm tăng bình quân 18,9%, hàng năm đều vượt so với kế hoạch thành phố giao (năm 2017 đạt 6.018 tỷ đồng, vượt kế hoạch 6,5%).

Để đẩy mạnh phát triển dịch vụ - thương mại - du lịch trên địa bàn, quận đã quy hoạch và triển khai xây dựng tuyến phố chuyên doanh Đông Nam dược Lãn Ông, tơ lụa Hàng Gai; xây dựng Đề án “Khôi phục tuyến phố nghề kim hoàn Hàng Bạc”; xây dựng Trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch chất lượng cao Đồng Xuân - Bắc Qua; tổ chức thí điểm và duy trì tốt hoạt động của Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận gắn kết với hoạt động của tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Hàng Giấy và 6 tuyến phố đi bộ mở rộng trong khu vực bảo tồn cấp I - khu phố cổ Hà Nội; triển khai xây dựng Phố sách Hà Nội tại phố 19/12; không gian bích họa phố Phùng Hưng (đoạn Lê Văn Linh - Hàng Cót),…

Công tác quản lý đô thị và xây dựng có nhiều chuyển biến tiến bộ. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội được quan tâm đầu tư, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn ổn định. Hệ thống chính quyền từ quận tới cơ sở được củng cố, kiện toàn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên.

 

 

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn Hà Nội có nên xây dựng thành phố thông minh hay không?