Thông tin hoạt động của Thành phố Thông tin hoạt động của Thành phố

16 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh
05/12/2024 | 09:51  | View Count: 22

Tính đến nay, Việt Nam đã có 16 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Tối 4/12 (giờ Việt Nam), tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Conmebol, Thủ đô Asunción, Cộng hòa Paraguay, di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được UNESCO ghi danh.

Lễ tế tại miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Ảnh: Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL)

Lễ tế tại miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Ảnh: Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL)

16 di sản văn hóa phi vật thể này bao gồm: Nhã nhạc - nhạc cung đình Triều Nguyễn; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca quan họ Bắc Ninh; Hát ca trù; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; Hát xoan Phú Thọ; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca ví, dặm ở Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt; Nghệ thuật bài chòi ở Trung Bộ; Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật xòe Thái; Nghệ thuật làm gốm của người Chăm và mới nhất là Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.

Trong đó, Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận năm 2003, là âm nhạc cung đình thời phong kiến, được trình diễn trong các dịp triều hội, tế lễ hoặc các sự kiện trọng đại như lễ đăng quang của nhà vua, tiếp đón sứ thần… Theo đánh giá của UNESCO, trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (công nhận năm 2005), trải rộng trên địa bàn 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Tây Nguyên, như một phần không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi con người và trong hầu như tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng.

Dân ca quan họ Bắc Ninh (công nhận năm 2009), là những làn điệu dân ca của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang). Quan họ được thực hành trong các hoạt động văn hóa, xã hội của cộng đồng; được cộng đồng lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ, trở thành bản sắc của địa phương và lan tỏa trở thành không gian văn hóa đặc thù.

Nghệ thuật ca trù (công nhận năm 2009) có vị trí đặc biệt trong kho tàng âm nhạc truyền thống của Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, tư tưởng và triết lý sống của người Việt.

Biểu diễn ca trù tại đền Đầm Giếng, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng. Ảnh: Thiên Tú

Biểu diễn ca trù tại đền Đầm Giếng, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng. Ảnh: Thiên Tú

Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc – Hà Nội (công nhận năm 2010), gắn với truyền thuyết về một cậu bé được mẹ sinh ra một cách kỳ lạ ở làng Phù Đổng. Hội Gióng ở đền Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm - nơi Thánh Gióng sinh ra) diễn ra từ ngày 7/9 tháng tư Âm lịch. Hội Gióng ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn nơi Thánh hóa, cưỡi ngựa về trời) diễn ra từ ngày 6/8 tháng Giêng Âm lịch.

Nghệ thuật hát Xoan (công nhận năm 2011 và năm 2017) bắt nguồn từ hình thức hát thờ các Vua Hùng, là một trong những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của Nhân dân Phú Thọ.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (công nhận năm 2012), thể hiện sự biết ơn với vị thủy tổ của dân tộc. Biểu hiện tiêu biểu nhất cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương ở Phú Thọ là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, được thực hiện vào ngày 10/3 Âm lịch hàng năm tại Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng.

Lễ hội đền Hùng. Ảnh: Ngọc Tú

Lễ hội đền Hùng. Ảnh: Ngọc Tú

Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ (công nhận năm 2013) là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX trên cơ sở của nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian.

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (công nhận năm 2014), là hai lối hát dân ca không có nhạc đệm, do cộng đồng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất, gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư xứ Nghệ.

Nghi lễ và trò chơi kéo co (công nhận năm 2015), được thực hành rộng rãi trong văn hóa trồng lúa ở nhiều nước Đông Á với ý nghĩa cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu hay những tiên đoán liên quan đến sự thành công hay thất bại của nỗ lực trồng cấy.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (công nhận năm 2016), là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo, có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân Việt Nam.

Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ (công nhận năm 2017) vừa là loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính sáng tạo ngẫu hứng vừa là trò chơi dân gian vui nhộn, đầy trí tuệ (kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học).

Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái (công nhận năm 2019) là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái, phản ánh quan niệm của họ về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ.

Hát then của người Tày.

Hát then của người Tày.

Nghệ thuật xòe Thái (công nhận năm 2021) là loại hình múa truyền thống đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc của Việt Nam là: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (công nhận năm 2022) tại làng Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận) tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ XII. Đến nay, Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất gốm thô sơ từ ngàn xưa.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, là các nghi thức tâm linh và diễn xướng nghệ thuật, biểu hiện niềm tin, sự biết ơn Mẹ Đất - Mẹ Xứ sở của cộng đồng các dân tộc Việt, Chăm, Khmer, Hoa ở Châu Đốc, An Giang.

 

 

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn Hà Nội có nên xây dựng thành phố thông minh hay không?