Thông tin hoạt động Đảng- Tổ chức chính trị xã hội
Sáng ngày 13/12, Đoàn lãnh đạo Quận ủy - HĐND - UBND - Uỷ ban MTTQ Việt Nam quận Hoàn Kiếm do UVTV Quận uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam quận Hoàn Kiếm Trương Thị Thanh Nhàn làm Trưởng đoàn đã tới thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ Quân đội nghỉ hưu, người có công tiêu biểu nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024).
Tham gia đoàn có QUV, Chủ tịch Hội LHPN quận Trịnh Thị Huệ; Chủ tịch Hội CCB quận Lã Văn Nho; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Phùng Thị Phi Nga cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội quận, các phòng, ngành quận; lãnh đạo Đảng uỷ, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam, Ban chỉ huy Quân sự, các đoàn thể phường, lãnh đạo Chi bộ, các đoàn thể tại Tổ dân phố các phường Hàng Bạc, Hàng Bồ và Hàng Gai.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm với Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Trình sinh năm 1928 ở 94 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc.
Đoàn đã tới thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Trình sinh năm 1928 ở phường Hàng Bạc. Năm 1945 Mẹ Lê Thị Trình kết hôn với ông Phạm Tháo tại thôn Hoàng Xá - xã Nguyên Xá - huyện Vũ Thư - tỉnh Thái Bình. Sau khi kết hôn, hai người sinh được một người con trai là Phạm Mạnh Chí. Năm 1950 ông Phạm Tháo tham gia cách mạng chống thực dân Pháp. Đến năm 1951 ông Tháo hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại đường 10 Thái Bình. Sau khi ông Tháo hy sinh Mẹ Lê Thị Trình vẫn ở nhà chồng chăm lo phụng dưỡng bố mẹ già, nuôi con trai khôn lớn trưởng thành. Năm 1965, anh Phạm Mạnh Chí là con trai Mẹ Trình và ông Tháo gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Anh Phạm Mạnh Chí đã hy sinh năm 1970 tại mặt trận Đức Trọng- Lâm Đồng. Được sự động viên của gia đình liệt sỹ Phạm Tháo, năm 1965 Mẹ tái giá với ông Trần Văn Thoảng và có 02 người con (01 trai, 01 gái). Hiện mẹ đang ở với con trai là Trần Quảng Hà ở 94 Hàng Bạc. Bản thân Mẹ và gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm với Đại tá Đỗ Xuân Huy sinh năm 1940 ở 39 Lãn Ông, phường Hàng Bồ bị nhiễm chất độc hóa học.
Đại tá Đỗ Xuân Huy sinh năm 1940 bị nhiễm chất độc hóa học ở phường Hàng Bồ. Ông là người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Trong quá trình công tác ông được nhiều thành tích khen thưởng như: Bằng khen chiến đấu tại K của Quân đoàn 2, nhiều giấy khen của Bộ quốc phòng. Trước khi nghỉ hưu ông công tác tại Viện lịch sử Quân đội. Trở về địa phương ông luôn gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào tại nơi cư trú. Bản thân ông cùng gia đình luôn chấp hành tốt các chủ trương chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước
Đoàn chụp ảnh lưu niệm với Đại úy Vương Thị Oanh sinh năm 1951 ở 44 Hàng Thiếc, phường Hàng Gai là người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc.
Đại tá Vương Thị Oanh sinh năm 1951 ở phường Hàng Gai là người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc. Từ tháng 8/1966 đến 9/1972 nhập ngũ - Huấn luyện tân binh Đoàn 9 đơn vị Q155 - Cục quản lý xe, Tổng cục hậu cần. Từ tháng 9/1972 đến tháng 1/1973 làm Công nhân Quốc phòng, thợ sửa chữa trang thiết bị Quân đội đơn vị Q155 - Cục quản lý xe Tổng cục hậu cần. Từ tháng 1/1973 đến tháng 5/1990 làm Công nhân Quốc phòng - Đơn vị Z155 Cục ô tô máy kéo trạm nguồn. Trong quá trình công tác bà được nhiều thành tích khen thưởng như: Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huân chương chiến công hạng Ba, Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Ba. Tháng 6/1990 bà nghỉ hưu, trở về địa phương bà luôn tích cực tham gia công tác và các phong trào nơi cư trú, bà là Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, Ủy viên ban chấp hành Đảng bộ phường nhiều năm. Hiện nay bà đang sống cùng con cháu tại số nhà 44 Hàng Thiếc, bản thân bà và các thành viên trong gia đình luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.