Tuyên truyền và phổ biến pháp luật Tuyên truyền và phổ biến pháp luật

Tìm hiểu một số quy định của Luật Căn cước
16/05/2024 | 16:10  | View Count: 97

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã thông qua Luật Căn cước vào ngày 27/11/2023. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Luật Căn cước gồm 7 chương và 46 điều.

Sau đây là nội dung một số điểm mới cơ bản của Luật Căn cước, như sau:

Một là, Chính thức đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ căn cước (khoản 11 Điều 3)

 Thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật Căn cước.

Hai là, Bỏ thông tin về quê quán, vân tay và đặc điểm nhận dạng trên thẻ căn cước (khoản 2 Điều 18): Các nội dung thể hiện trên thẻ căn cước gồm:

- Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”;

- Dòng chữ “CĂN CƯỚC”;

- Ảnh khuôn mặt;

- Số định danh cá nhân;

- Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

- Ngày, tháng, năm sinh;

- Giới tính;

- Nơi đăng ký khai sinh;

- Quốc tịch;

- Nơi cư trú;

- Ngày, tháng, năm cấp thẻ; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng;

- Nơi cấp: Bộ Công an.

Ba là, Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu (khoản 3 Điều 19)

Bốn là, Sửa đổi độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước (Điều 21)

- Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.

- Thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước quy định có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ căn cước tiếp theo.

 

Năm là, Cấp Giấy chứng nhận căn cước với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch (khoản 1 Điều 30)

Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

Sáu là, Mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử (khoản 1 Điều 31)

Giá trị sử dụng của căn cước điện tử quy định tại Điều 33, cụ thể:

- Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

- Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.

Bảy là, Thu thập thông tin về mống mắt khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước (khoản 3 Điều 18)

Tám là, Các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước (Điều 24)

* Các trưởng hợp cấp đổi thẻ căn cước (khoản 1 Điều 24)

- Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.

- Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;

- Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật;

- Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước;

- Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;

- Xác lập lại số định danh cá nhân;

- Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.

* Các trưởng hợp cấp lại thẻ căn cước (khoản 2 Điều 24)

- Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được.

- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam.

Chín là, Theo quy định chuyển tiếp tại khoản 2 và khoản 3 Điều 46 Luật Căn cước thì chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. 

- Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

- Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

 

Tin: Trương Hà Lê

(Phòng Tư pháp quận)

Tuyên truyền và phổ biến pháp luật Tuyên truyền và phổ biến pháp luật

 

 

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn Hà Nội có nên xây dựng thành phố thông minh hay không?