Tuyên truyền và phổ biến pháp luật Tuyên truyền và phổ biến pháp luật

Tìm hiểu những nội dung cơ bản và điểm mới về nhiệm vụ, quyền hạn của người có thẩm quyền thực hiện chức năng Thanh tra của Luật Thanh Tra năm 2022
14/08/2023 | 11:41  | View Count: 45

Ngày 14 tháng 11 năm 2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thanh tra năm 2022 số 11/2022/QH15 thay thế Luật Thanh tra năm 2010 số 56/2010/QH12. Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh công bố, Luật có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.

Những nội dung cơ bản và điểm mới về nhiệm vụ, quyền hạn của người có thẩm quyền thực hiện chức năng Thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022, như sau:

Một là, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra

Điều 6 Luật Thanh tra năm 2022 quy định: Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý; việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp theo quy định của pháp luật để xử lý kịp thời hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra; nếu có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Luật cũng quy định Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kịp thời kết luận, kiến nghị về nội dung thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Hai là, nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành thanh tra

Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 đã quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành thanh tra tại Mục 5, chương IV. Theo đó Luật quy định cụ thể như:

- Về nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra (Điều 80);

- Về nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra (Điều 81);

- Về nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên khác của Đoàn thanh tra (Điều 82);

* Đồng thời, quy định cụ thể về một số quyền trong hoạt động thanh tra như:

- Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu và báo cáo, giải trình (Điều 83);

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu (Điều 84);

- Niêm phong tài liệu (Điều 85), kiểm kê tài sản (Điều 86);

- Trưng cầu giám định (Điều 87);

- Đình chỉ hành vi vi phạm (Điều 88);

- Tạm giữ tài sản, giấy phép, chứng chỉ hành nghề (Điều 89);

- Yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài sản của đối tượng thanh tra (Điều 90);

- Thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra (Điều 91).

Ba là, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, Chương III Luật Thanh tra năm 2022 quy định về Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Theo đó, Thanh tra viên là người được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật. Ngạch thanh tra viên bao gồm thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp.

 Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải là công chức của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, trừ trường hợp là viên chức ở cơ quan thuộc Chính phủ theo quy định của Chính phủ. Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chuyên ngành, am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ thanh tra và có ít nhất 01 năm làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, không kể thời gian tập sự (Điều 38).

Luật cũng quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp, việc miễn nhiệm thanh tra viên và trang phục, thẻ thanh tra (từ Điều 39 đến Điều 43).

Các quy định về tiêu chuẩn đối với Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng công chức thanh tra. Cùng với việc hoàn thiện các quy định pháp luật về thanh tra và việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, ngành thanh tra hướng tới xây dựng đội ngũ công chức thanh tra chính quy, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tin: Trương Hà Lê

(Phòng Tư pháp quận)

Tuyên truyền và phổ biến pháp luật Tuyên truyền và phổ biến pháp luật

 

 

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn Hà Nội có nên xây dựng thành phố thông minh hay không?