Chiến lược quy hoạch phát triển
Tại Quyết định 1361/QĐ-UBND (ngày 19-3-2021), UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị H1-1A (khu phố cổ) quận Hoàn Kiếm. Đáng chú ý, đồ án khuyến khích phục dựng công trình theo kiến trúc đặc trưng tiêu biểu khu phố cổ; xây dựng hình ảnh tuyến phố đi bộ với các cửa hàng buôn bán sản phẩm truyền thống, phục vụ du lịch. Đặc biệt, một số khu vực có thể được xem xét nghiên cứu xây dựng công trình cao 8 tầng...
Khu vực phố cổ Hà Nội (ảnh minh họa).
Xây dựng các tuyến phố đi bộ
Cụ thể, khu vực nghiên cứu đồ án quy hoạch phân khu đô thị H1-1A có diện tích khoảng 80,93ha, thuộc địa giới hành chính 10 phường của quận Hoàn Kiếm, gồm: Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Mã, Cửa Đông, Lý Thái Tổ, Đồng Xuân, Hàng Gai, Hàng Đào.
Trong đó, phía Bắc giáp phố Hàng Đậu; phía Tây giáp phố Phùng Hưng; phía Nam giáp các phố: Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng; phía Đông là các đường: Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật. Quy mô dân số đến năm 2030 và tối đa đến năm 2050 khoảng 45.000 người.
Mục tiêu của quy hoạch nhằm bảo tồn và phát triển đô thị khu phố cổ bền vững; gìn giữ những giá trị di sản và nâng cao điều kiện sống của người dân trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch; là cơ sở triển khai tổ chức lập các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, các dự án đầu tư xây dựng; đề xuất danh mục các chương trình đầu tư; kiểm soát phát triển và quản lý đô thị...
Về bố cục không gian kiến trúc toàn phân khu, không gian đô thị được xác lập chủ yếu là công trình thấp tầng với mật độ cao, hình thức công trình khuyến khích phục dựng theo kiến trúc đặc trưng của khu phố cổ. Trong đó, khu vực trọng tâm là tuyến trục chính Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân, gắn kết hai không gian quan trọng là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và không gian mở gắn với chợ Đồng Xuân. Đây là khu vực bảo tồn cấp I.
Các điểm nhấn lớn trong đô thị là các không gian mở gắn với công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị; các công trình tôn giáo tín ngưỡng có giá trị văn hóa và giá trị lịch sử, gồm: Quảng trường giao thông cầu Chương Dương; không gian cầu đường sắt Long Biên gắn với ga Long Biên; không gian mở gồm chợ Đồng Xuân và các dãy công trình xung quanh; không gian mở gồm chợ Hàng Da và các dãy công trình xung quanh; chùa Bạch Mã, Ô Quan Chưởng, ngôi nhà di sản 87 Mã Mây.
Về yêu cầu tổ chức và bảo vệ cảnh quan: Khu vực bảo tồn cấp I phải thực hiện bảo tồn theo hướng phục dựng nguyên gốc hoặc theo phong cách truyền thống các công trình trong khu vực; thực hiện giãn mật độ xây dựng trong các ô phố.
Trục trung tâm (đường trục chính Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân với các ô phố tiệm cận) bảo tồn, cải tạo nguyên trạng các công trình được xác định có giá trị theo quy định. Các công trình khác phục dựng theo kiến trúc đặc trưng tiêu biểu khu phố cổ và được kiểm soát theo Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc có liên quan. Đồng thời, xây dựng hình ảnh tuyến phố đi bộ với các cửa hàng buôn bán sản phẩm truyền thống, phục vụ du lịch.
Các tuyến phố được phân loại theo tính chất đặc trưng, gồm: Phố nghề truyền thống, phố chuyên doanh, phố đi bộ, ngõ phố, được kiểm soát kiến trúc mặt đứng. Chiều cao của các công trình mặt phố tùy theo đặc điểm, tính chất đặc trưng của tuyến phố và tuân thủ theo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu vực được duyệt.
Có thể xây dựng công trình cao 8 tầng
Về tầng cao/chiều cao công trình: Tùy từng chức năng sử dụng đất và vị trí cụ thể, tầng cao công trình phải tuân thủ các Quy chế quản lý kiến trúc có liên quan trong khu vực và các quy định trong đồ án này.
Tuy nhiên, đối với các khu đất có chiều rộng từ 7m trở lên, chiều sâu so với chỉ giới đường đỏ từ 16m trở lên, nằm giáp các tuyến phố đường bao khu vực phố cổ (không thuộc ranh giới khu phố cổ) có mặt cắt ngang đường 13m trở lên, thuận lợi về giao thông, đáp ứng yêu cầu an toàn về phòng cháy chữa cháy, đỗ xe, vệ sinh môi trường... không gây ách tắc, ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt của dân cư khu vực có thể xem xét nghiên cứu xây dựng công trình cao 8 tầng với các chức năng dịch vụ, thương mại, khách sạn...
Về bãi đỗ xe, bố trí bãi đỗ xe ngầm tại khu vực chợ Đồng Xuân, khu vực vườn hoa Phùng Hưng, Bát Đàn; khuyến khích xây dựng gara ngầm từ 3-5 tầng, đáp ứng một phần nhu cầu đỗ xe của khu vực quy hoạch. Phần còn lại được bố trí tại các bãi đỗ xe tập trung ở lân cận khu vực quy hoạch (bãi đỗ xe giàn thép cao tầng Trần Nhật Duật, bãi đỗ xe ngầm dưới vườn hoa Hàng Đậu, bãi đỗ xe tại khu đất số 1 Trần Quang Khải, các bãi đỗ xe khác ngoài khu vực bãi sông Hồng) và bổ sung trong các ô đất dự án đầu tư xây dựng mới trong khu quy hoạch.
Vườn "thẳng đứng" tăng mật độ cây xanh
Về quy hoạch sử dụng đất, đất công cộng thành phố, quận, phường khoảng 4,56ha (chiếm 5,63% tổng diện tích đất) với các chức năng chính: Thương mại, dịch vụ, ngân hàng, y tế, văn hóa, văn phòng trụ sở; đất giao thông khoảng 21,40ha (chiếm 26,44%) gồm các trục đường chính, tuyến đường khu vực; đất nhóm nhà ở chiếm khoảng 48,65ha (chiếm 60,11%); đất cây xanh, thể dục - thể thao khoảng 0,07ha (chiếm 0,09%) gồm vườn hoa, cây xanh, quảng trường, đường dạo...
Do các chức năng đất trong khu phố cổ hầu hết đã ổn định, trong khi quỹ đất tái phát triển lại rất hạn chế. Những vị trí đất có quy mô phù hợp để di dời, chuyển đổi bố trí đất cây xanh mới không có hoặc thiếu tính khả thi.
Vì vậy, đồ án đề nghị cho phép vận dụng tăng chỉ tiêu bằng cách quy đổi từ đất cây xanh trong các công trình di tích, tôn giáo thành đất cây xanh sử dụng công cộng; đồng thời bổ sung cây xanh đường phố, cây xanh theo mảng, theo lớp; bổ sung vườn "thẳng đứng" phủ xanh trên sân thượng, ban công, mái nhà, vách đứng... với khoảng 4.290 công trình trong khu phố cổ; quy định khuyến khích trồng cây đối với nhà ở; quy định bắt buộc trồng cây đối với hệ thống công trình công cộng, cơ quan, trường học...
Ngoài ra, do phạm vi nghiên cứu quỹ đất không đủ để bố trí đất trường trung học phổ thông, vì vậy cần phải cân đối nhu cầu trên cơ cấu quy hoạch toàn quận...
Theo HNMO