60 năm Ngày thành lập quận Hoàn Kiếm 60 năm Ngày thành lập quận Hoàn Kiếm

Hoàn Kiếm 60 năm xây dựng và phát triển
02/06/2021 | 16:17  | View Count: 421

Quận Hoàn Kiếm vinh dự, tự hào được lịch sử dành cho vị trí trung tâm của Kinh thành Thăng Long xưa cũng như của Thủ đô Hà Nội ngày nay. Trên địa bàn Hoàn Kiếm hội tụ nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến cùng những tinh hoa văn hóa truyền thống của vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Cũng tại mảnh đất này còn ghi lại những trận chiến đấu lịch sử của quân và dân Hoàn Kiếm trong quá trình đấu tranh xây dựng, bảo vệ Thủ đô và Tổ quốc.

Vào những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ XX, khi ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin được truyền bá vào trong nước và Hà Nội là trung tâm đón nhận, Hoàn Kiếm đã vinh dự và tự hào là địa bàn xuất hiện Chi bộ Cộng sản đầu tiên, đánh dấu bước phát triển mới trong phong trào cách mạng Việt Nam trên bước đường tiến tới thành lập Đảng Cộng sản. Và chỉ hơn một tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trên địa bàn Hoàn Kiếm, Thành ủy Hà Nội cũng được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Thành ủy Hà Nội, nhân dân Hoàn Kiếm đã cùng nhân dân Hà Nội làm nên sự kiện lịch sử trọng đại ngay tại trung tâm đầu não của kẻ thù, lật đổ ách thống trị của thực dân phong kiến, giành chính quyền cách mạng (tháng 8/1945).

Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, nhân dân Hoàn Kiếm đã anh dũng đứng lên góp phần mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. 60 ngày đêm chiến đấu ở Liên khu I giam chân địch trong Thành phố, là bản anh hùng ca bất diệt của quân dân Hoàn Kiếm và Thủ đô. Tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” là niềm tự hào của quân dân Hoàn Kiếm và mãi mãi được lưu truyền cho thế hệ mai sau trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Thủ đô yêu quý.

Sau ngày giải phóng Thủ đô, Đảng bộ và nhân dân Hoàn Kiếm tỏ rõ khí phách anh hùng cách mạng, cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và đấu tranh giải phóng Miền Nam.

Cách đây 60 năm, thực hiện chủ trương xây dựng, mở rộng Thủ đô của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa II, ngày 31/5/1961, Chính phủ đã ra quyết định về tổ chức hành chính Thành phố Hà Nội gồm 4 khu phố nội thành (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng) và 4 huyện ngoại thành (Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh). Đến năm 1981, thực hiện Hiến pháp mới, bộ máy chính quyền thành phố được tổ chức thống nhất thành 3 cấp, khu phố Hoàn Kiếm chuyển thành quận Hoàn Kiếm, là cấp trên cơ sở; các tiểu khu đại diện hành chính chuyển thành phường, là cấp chính quyền cơ sở.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng, đất nước thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Hoàn Kiếm vượt lên khó khăn, phát huy tinh thần lao động thông minh, sáng tạo thu được những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước. Từ năm 1986 đến nay, Đảng bộ và nhân dân quận Hoàn Kiếm phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đạt được những thành tựu cơ bản.

Trong những năm qua, xác định rõ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, Quận đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển dịch vụ - thương mại - du lịch theo hướng văn minh, hiệu quả. Kinh tế Quận tiếp tục phát triển, duy trì mức tăng trưởng khá, tương đối bền vững; chất lượng hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Kinh tế quận phát triển mạnh, phát huy và khai thác có hiệu quả thế mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ, thương mại, du lịch nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt bình quân 18,12%, chiếm tỷ trọng 98,04% trong cơ cấu kinh tế. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 phát triển vượt bậc, năm 2015 là 4.263 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 10.530,819 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với đầu nhiệm kỳ.

Công tác quản lý, phát triển đô thị được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Quận đã tập trung đầu tư nguồn lực cho các dự án cải tạo, chỉnh trang hạ tầng đô thị; nhiều dự án đầu tư phát triển quy mô lớn được triển khai, xây dựng bộ mặt đô thị của quận ngày càng sáng – xanh – sạch – đẹp. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của khu phố cổ, khu phố cũ và giá trị các di tích, di sản văn hóa được quan tâm.

Dựa trên những tiềm năng, lợi thế mang tính đặc thù, sức mạnh nội tại không phải địa phương nào cũng có được, Quận đã chú trọng đầu tư nguồn lực xây dựng, phát triển các sản phẩm văn hóa – du lịch của quận theo hướng hoàn chỉnh, độc đáo, hấp dẫn, có tính chuyên nghiệp, chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch quận Hoàn Kiếm, nổi bật như: Dự án không gian nghệ thuật công cộng phố bích họa Phùng Hưng, Phố sách Hà Nội, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận kết nối với không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội, mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm, góp phần phát triển mạnh dịch vụ, thương mại, du lịch và là nền tảng để phát triển văn hóa trên địa bàn quận.

Phát triển văn hoá – xã hội được quan tâm đầu tư, có nhiều tiến bộ rõ nét trên nền tảng phát huy giá trị văn hóa, xây dựng người Hoàn Kiếm thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” triển khai đảm bảo chất lượng, có chiều sâu gắn với thực hiện có hiệu quả 2 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố Hà Nội. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, công tác thông tin tuyên truyền được triển khai sôi nổi phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của quận. Công tác giáo dục, y tế luôn được chú trọng chỉ đạo, đời sống nhân dân được chăm lo ngày càng tốt hơn; ngành Giáo dục - Đào tạo quận duy trì tốt chất lượng giáo dục toàn diện ở cả 3 cấp học, 10 năm liên tiếp là lá cờ đầu ngành Giáo dục - Đào tạo Thủ đô.

An ninh chính trị, an ninh tôn giáo được giữ vững, quốc phòng được tăng cường, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực, là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, hoạt động văn hoá lớn, quan trọng trên địa bàn, được Trung ương và Thành phố ghi nhận, đánh giá cao.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được thường xuyên chăm lo. Chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Đại hội đại biểu lần thứ XXVI Đảng bộ quận. Xây dựng chính quyền đồng bộ, đổi mới, năng động, phục vụ nhân dân. Hệ thống chính trị hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, toàn diện. Công tác sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được tập trung chỉ đạo thực hiện, đảm bảo theo đúng lộ trình đã đề ra.

Với những thành tích đã đạt được, quận Hoàn Kiếm vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2010), Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, nhiều năm liền được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua. Quận đã có nhiều lượt tập thể và cá nhân được Nhà nước, Chính phủ, Thành phố và các Bộ, Ban, ngành tặng thưởng các danh hiệu cao quý.

Những thành tựu vô cùng tự hào, phấn khởi mà quận Hoàn Kiếm đã đạt được là kết tinh xương máu, công sức của bao thế hệ ông cha đã đổ xuống cho hôm nay để Hoàn Kiếm tiếp tục phấn đấu, hoàn thành thắng lợi mục tiêu xây dựng, phát triển quận Hoàn Kiếm đến năm 2025 là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; hiệu lực, hiệu quả của chính quyền; phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy mọi nguồn lực tiếp tục phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững theo hướng dịch vụ, thương mại, du lịch. Làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử, văn hóa khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, khu phố cổ, khu phố cũ. Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng và phát triển quận Hoàn Kiếm ngày càng giàu đẹp, hiện đại, thanh lịch, văn minh hướng tới là đô thị thông minh”.

Bài: Trần Quỳnh

(Ban Tuyên giáo Quận ủy)

 

 

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn Hà Nội có nên xây dựng thành phố thông minh hay không?