Nội dung Phản ánh/Kiến nghị thường gặp về Thủ tục hành chính (nguồn Dichvucong. gov.vn)
03/06/2021 | 15:17  | View Count: 275

Hỏi: Hộ kinh doanh có nhu cầu tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong thời hạn 01 năm thì phải thực hiện thủ tục gì?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 76 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, trường hợp tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên, hộ kinh doanh phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (quận) nơi đã đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trực tiếp quản lý. Thời gian tạm ngừng kinh doanh không được quá 01 năm. Hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (quận) nơi hộ kinh doanh đã đăng ký ít nhất 15 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (quận) trao Giấy biên nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ sau khi tiếp nhận thông báo tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (quận) cấp Giấy xác nhận về việc hộ kinh doanh đăng ký tạm ngừng kinh doanh cho hộ kinh doanh.

Hỏi: Hiện nay tôi đang làm chủ một hộ kinh doanh. Để mở rộng hoạt động kinh doanh hơn nữa, tôi muốn đăng ký thành lập thêm một doanh nghiệp tư nhân do tôi làm chủ thì có được hay không?

Trả lời: Khoản 3 Điều 67 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định cá nhân thành lập và tham gia góp vốn thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại. Theo quy định nêu trên thì cá nhân thành lập và tham gia góp vốn thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, trường hợp một cá nhân đã đăng ký là chủ hộ kinh doanh thì cá nhân đó sẽ không được đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân nữa.

Hỏi: Trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung được Luật quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 17 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2014 thì trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung được quy định như sau:

- Tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo hoặc người đại diện của nhóm người theo tôn giáo không thuộc tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo gửi hồ sơ đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung đến Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo.

- Hồ sơ đăng ký gồm:

+ Văn bản đăng ký nêu rõ tên tổ chức đăng ký; tên tôn giáo; họ và tên, nơi cư trú của người đại diện; nội dung, địa điểm, thời gian sinh hoạt tôn giáo, số lượng người tham gia;

+ Giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp để làm nơi sinh hoạt tôn giáo;

+ Sơ yếu lý lịch của người đại diện nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung;

+ Bản tóm tắt giáo lý, giáo luật đối với việc đăng ký của nhóm người theo tôn giáo không thuộc tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo.

- Về thẩm quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung: Theo quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật, Ủy ban Nhân dân cấp xã có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ; trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.

Ban biên tập

 

 

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn Hà Nội có nên xây dựng thành phố thông minh hay không?