Nội dung Phản ánh/Kiến nghị thường gặp về Thủ tục hành chính (nguồn Dichvucong.hanoi.gov.vn)
02/06/2021 | 16:26  | View Count: 384

Hỏi: Tôi muốn hỏi hồ sơ giải quyết hưởng chế độ tử tuất đối với trường hợp nhân thân của người đang đóng BHXH gồm những gì?

Trả lời:

01 bộ hồ sơ hưởng chế độ tử tuất dành cho đối tượng đang đóng bảo hiểm như sau:

- Sổ bảo hiểm xã hội của người đang đóng bảo hiểm xã hội, người bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và người chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí hoặc hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng do cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng;

- Giấy chứng tử (bản sao) hoặc Giấy báo tử (bản sao) hoặc Quyết định của Tòa án tuyên bố là đã chết (bản sao);

- Tờ khai của thân nhân người chết (mẫu số 09-HSB kèm theo Quyết định 166/2019/QĐ-BHXH); - Đối với trường hợp chết do tai nạn lao động thì có thêm Biên bản điều tra tai nạn lao động (trường hợp tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì kèm theo bản sao Biên bản tai nạn giao thông); đối với trường hợp chết do bệnh nghề nghiệp thì có thêm bản sao Bệnh án điều trị bệnh nghề nghiệp.

Hỏi: Tôi muốn hỏi hồ sơ giải quyết hưởng chế độ tử tuất cần mấy bộ?

Trả lời:

01 bộ hồ sơ hưởng chế độ tử tuất dành cho đối tượng đang đóng bảo hiểm như sau:

- Sổ bảo hiểm xã hội của người đang đóng bảo hiểm xã hội, người bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và người chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí hoặc hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng do cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng;

- Giấy chứng tử (bản sao) hoặc Giấy báo tử (bản sao) hoặc Quyết định của Tòa án tuyên bố là đã chết (bản sao);

- Tờ khai của thân nhân người chết (mẫu số 09-HSB kèm theo Quyết định 166/2019/QĐ-BHXH);

- Đối với trường hợp chết do tai nạn lao động thì có thêm Biên bản điều tra tai nạn lao động (trường hợp tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì kèm theo bản sao Biên bản tai nạn giao thông); đối với trường hợp chết do bệnh nghề nghiệp thì có thêm bản sao Bệnh án điều trị bệnh nghề nghiệp.

Hỏi: Tôi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có việc làm mới thì các tháng hưởng còn lại có được thanh toán một lần không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có việc làm thì bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian còn lại mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Pháp luật bảo hiểm thất nghiệp hiện hành không quy định thanh toán trợ cấp thất nghiệp một lần.                   

Hỏi: Tôi muốn biết việc thuyên chuyển trường học bổ túc trung học cơ sở là cơ quan nào thực hiện?

Trả lời:

Căn cứ Quyết định số 51/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 25/12/2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành “ Quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông”;

Cơ quan thực hiện việc Chuyển trường học bổ túc THCS là Phòng Giáo dục và Đào tạo nơi học sinh chuyển đến và Trung tâm Giáo dục thường xuyên nơi đối tượng xin chuyển đến.                                                   

Hỏi: Tôi mở tài khoản để lĩnh tiền trợ cấp thất nghiệp. Vậy cho hỏi tôi có được thanh toán phí mở thẻ ATM không? Cơ quan nào thanh toán cho tôi?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN. Theo đó, Ông/Bà được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán phí mở tài khoản cá nhân hoặc làm thẻ ATM.    

Hỏi: Trình tự cấp lại sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp bị mất?

Trả lời:

 Trình tự cấp lại sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp bị mất gồm các bước sau:

(1) Hộ gia đình và cá nhân phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất sổ đỏ. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất sổ đỏ tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.

(2) Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất sổ đỏ tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, người bị mất sổ đỏ nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại sổ đỏ.

(3) Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất; lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký quyết định hủy sổ đỏ bị mất, đồng thời ký cấp lại sổ đỏ; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao sổ đỏ cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.     

Hỏi: Thời gian giải quyết cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân lần đầu là bao lâu?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 61 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ (được sửa đổi theo quy định tại Khoản 40 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017), thời gian thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân do Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định. Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày.

Hỏi: Tôi hiện đang sống và làm việc ở nước ngoài? Tôi vẫn còn quốc tịch và hộ chiếu Việt Nam. Nay tôi về Việt Nam cưới vợ và đăng ký kết hôn thì cần có những thủ tục gì và nộp hồ sơ ở đâu?

Trả lời:

- Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người Việt Nam (còn quốc tịch, hộ chiếu Việt Nam...) đang sống và làm việc ở nước ngoài muốn về nước đăng ký kết hôn cần phải có:

+ Xác nhận của cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian ở nước ngoài.

+ Xác nhận của địa phương nơi cư trú trước khi xuất cảnh đi ra nước ngoài về tình trạng hôn nhân của bạn trước khi xuất cảnh.

Việc xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng kể từ ngày xác nhận.

- Về Thẩm quyền giải quyết thủ tục kết hôn tại Việt Nam. Bạn Nộp hồ sơ tại UBND Cấp Quận/ huyện để làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Hỏi: Xin hỏi tôi chỉ có giấy chứng nhận độc thân bản sao (có công chứng dấu đỏ) thì có nộp hồ sơ xin kết hôn được không?

Trả lời:

Theo quy định, hồ sơ xin kết hôn yêu cầu các thành phần hồ sơ sau:

* Giấy tờ phải xuất trình:

- Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký kết hôn.

- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc).

- Trích lục ghi chú ly hôn đối với trường hợp công dân Việt Nam đăng ký thường trú tại địa bàn xã làm thủ tục đăng ký kết hôn, đã được giải quyết việc ly hôn trước đó tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

* Giấy tờ phải nộp:

- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu. Hai bên nam, nữ có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn;

- Bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp trong trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn không đăng ký thường trú tại địa bàn xã làm thủ tục đăng ký kết hôn (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc).

- Trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp.

Hỏi: Tôi có đăng ký thủ tục hành chính và nhận được email phản hồi yêu cầu bổ sung hồ sơ? Vậy tôi bổ sung bằng cách nào?

Trả lời:

Để nộp bổ sung hồ sơ trực tuyến mức độ 3, anh/chị truy cập vào đường link được gửi trong Email yêu cầu bổ sung hồ sơ để đính kèm và nộp bổ sung.

Hỏi: Các thủ tục đang vận hành thử nghiệm có thể đăng ký thực hiện được không?

Trả lời:

Các thủ tục có ghi chú "Vận hành thử nghiệm" ở trên cổng dịch vụ công của thành phố anh/chị vui lòng nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ. 

Hỏi:  Hồ sơ đăng ký khai sinh gồm những giấy tờ gì?

Trả lời:

Thành phần hồ sơ đăng ký khai sinh gồm:

* Giấy tờ phải xuất trình:

- Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai sinh;

- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để chứng minh thẩm quyền đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc).

Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình nêu trên.

* Giấy tờ phải nộp:

- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu.

- Bản chính Giấy chứng sinh; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;

- Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì phải có biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập.

- Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ.

- Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh.

Hỏi: Tôi quên không lưu lại mã hồ sơ sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký làm giấy khai sinh. Vậy tôi làm thế nào để biết lại mã hồ sơ của tôi?

Trả lời:

Anh/chị có thể xem lại mã hồ sơ trong Email thông báo đăng ký hồ sơ thành công ạ!

Hỏi: Việc đăng ký dịch vụ công có cần phải có tài khoản mới được đăng ký được phải không?

Trả lời:

Việc thực hiện đăng ký dịch vụ công hiện tại công dân không cần đăng ký tài khoản vẫn có thể thực hiện được các thủ tục dịch vụ công trực tuyến.

Tuy nhiên công dân và doanh nghiệp nên đăng ký tạo 01 tài khoản để tiện theo dõi, kiểm soát các hồ sơ mà mình đã từng giao dịch với các Cơ quan.

Hỏi: Sau khi sinh bao nhiêu ngày phải thực hiện việc khai sinh?

Trả lời:

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh trẻ em, người cha/mẹ hoặc người được ủy quyền có trách nhiệm đến Đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện Việt Nam để đăng ký khai sinh cho trẻ.

Hỏi: Nếu muốn thay đổi tên cho con sau khi đã đăng ký khai sinh có được không?

Trả lời:

Anh/chị có thể thay đổi tên cho con sau khi đã đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền thay đổi tên và Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch quy định về điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch.

Hỏi: Khai sinh có thể không ghi tên bố hoặc tên mẹ được không?

Trả lời:

Anh/chị có thể không ghi tên bố hoặc tên mẹ trên khai sinh theo quy định tại Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch.

Hỏi: Tôi phải làm thế nào để đăng ký khai sinh online tại Phường?

Trả lời:

Để nộp hồ sơ khai sinh trực tuyến anh/chị truy cập vào web: https://dichvucong.hanoi.gov.vn

B1: Chọn "Đăng ký trực tuyến".

B2: Chọn "Nộp hồ sơ tại Phường/Xã/Thị trấn" và tìm kiếm tên thủ tục "đăng ký khai sinh" sau đó chọn thủ tục phù hợp với trường hợp của anh/chị và bấm "Thực hiện".

B3: Chọn đúng cơ quan tiếp nhận hồ sơ, nhập đầy đủ thông tin và đính kèm thành phần hồ sơ.

B4: Tích "Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai trên" và bấm "tiếp tục".

B5: Nhập mã captcha và ấn "tiếp tục".

Hỏi: Công dân Việt Nam ở nước ngoài muốn đăng ký kết hôn cần những thủ tục gì?

Trả lời:

- Căn cứ pháp lý: Luật Hôn nhân gia đình 2014; Luật Hộ tịch ngày 20/11/2014; Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

- Điều kiện kết hôn: nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi, hai bên tự nguyện kết hôn, không bị mất năng lực hành vi dân sự, không thuộc các trường hợp cấm kết hôn (kết hôn giả tạo; tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn; người đang có vợ, có chồng; kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, giữa những người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, giữa bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; Nhà nước không thừa nhận hôn nhân đồng giới).

- Nơi đăng ký kết hôn: CQĐD tại nước các bạn sinh sống.

- Hồ sơ: Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu) Hộ chiếu còn giá trị sử dụng, giấy tờ chứng minh đang cư trú tại sở tại. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân xã, phường nơi cư trú trước khi xuất cảnh cấp nếu trước khi xuất cảnh đã đủ tuổi kết hôn. Nếu các bạn đã có thời gian cư trú tại nước khác (khi đã đủ tuổi kết hôn) thì phải xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do CQĐD tại nước này cấp. Trường hợp không thể xin giấy xác nhận thì có văn bản cam đoan theo Điều 7.2.b Thông tư liên tịch số 02.

- Sau khi đã hoàn tất các thủ tục hồ sơ, hai bạn phải cùng có mặt tại CQĐD để ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn.

Hỏi: Các trường hợp được cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 76 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì việc cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Người sử dụng đất có nhu cầu đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc các loại Giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 sang loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

b) Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng;

c) Do thực hiện dồn điền, đổi thửa, đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất;

d) Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng.  

Ban biên tập

 

 

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn Hà Nội có nên xây dựng thành phố thông minh hay không?