Không gian đi bộ Hoàn kiếm và các vùng phụ cận Không gian đi bộ Hoàn kiếm và các vùng phụ cận

Rộn ràng Tết Việt - Tết Phố 2024
29/01/2024 | 21:04  | Lượt xem: 377

Chào xuân Giáp Thìn 2024, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức, khai mạc các hoạt động văn hóa “Mừng Đảng - mừng Xuân” với chủ đề “Tết Việt - Tết Phố 2024”.

Các hoạt động diễn ra tại nhiều điểm di sản tại phố cổ Hà Nội: Tại Ngôi Nhà di sản (số 87 phố Mã Mây), sắp đặt và tổ chức giới thiệu không gian sinh hoạt, đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa. Vào ngày 3/2, tại đây diễn ra buổi gói và luộc bánh chưng giới thiệu và để khách thăm quan trải nghiệm.

Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 phố Đào Duy Từ) tái hiện Tết truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ với chủ đề “Nếp nhà xưa”. Trong không gian này còn trưng bày các sản phẩm tranh, gốm có chủ đề con giáp của năm 2024, biểu diễn âm nhạc truyền thống và toạ đàm về Tết truyền thống của người Việt.

Tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (22 phố Hàng Buồm), đình Đồng Lạc (38 phố Hàng Đào), Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ (số 28 phố Hàng Buồm) là những điểm giới thiệu về văn hóa truyền thống Việt Nam ngày Tết như thú chơi hoa, các phong tục Tết. Từ nay đến ngày 9/2/2024 tại phố bích họa Phùng Hưng, các nghệ nhân và thợ thủ công giới thiệu các sản phẩm dân gian truyền thống, như tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ, thư pháp, gốm sứ, mây tre đan, đồ chơi tò he…

Điểm nhấn của sự kiện, ngày 28/1 đã diễn ra màn rước lễ xuất phát từ Ngôi nhà Di sản, số 87 phố Mã Mây với hơn 100 người mặc trang phục áo tứ thân, áo ngũ thân tay chẽn, áo tấc, áo mãng bào, biểu diễn các màn múa nghê, múa sênh tiền đi qua các tuyến phố cổ: Mã Mây, Hàng Buồm, Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng, Tạ Hiện, Hàng Bạc… tạo nên một không khí lễ hội rộn rã sắc màu truyền thống tại phố cổ Hà Nội.

Sau màn rước qua nhiều tuyến phố, đoàn rước đến đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) Ban tổ chức đã tiến hành dâng lễ, cáo yết Thành hoàng, cúng tổ nghề…

Dưới đây là một số hình ảnh của các hoạt động:

 Ban tổ chức đã tiến hành các nghi thức trong nghi lễ dựng cây nêu. Trong ảnh: Thầy đồ Nguyễn Tiến Đạt thực hành nghi thức viết chữ treo lên cây nêu.

 Bức đại tự viết chữ: "Năm Giáp Thìn thịnh vượng" và nhiều vật phẩm như giỏ ốc, mô hình cá chép, chuông khánh… được treo lên ngọn cây.
 Lễ dựng nêu thu hút đông đảo người dân và du khách.
 Lễ dựng cây nêu ngày Tết tại đình Kim Ngân.
 Trong không gian cổ kính của đình Kim Ngân, du khách và người dân có dịp hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống của người Việt Nam và đời sống văn hóa của người Hà Nội trong dịp Tết đến, xuân về …
 Múa sênh tiền.
 Đàn tính và những làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Tày.
 Hay những điệu hát xoan gắn với mạch nguồn văn hóa ở vùng đất Phú Thọ.
 Đoàn người tham dự với nhiều trang phục cổ truyền, từ nhiều đồng bào dân tộc, góp phần làm phong phú các hoạt động tôn vinh quảng bá di sản văn hóa Việt dịp đầu năm mới tại Khu phố cổ Hà Nội.
 Các hoạt động chương trình Tết Việt - Tết Phố đã mang tới người dân không khí vui tươi, phấn khởi, đậm đà sắc màu văn hóa Việt, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa của Thủ đô Hà Nội nói riêng.

 

 

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn Hà Nội có nên xây dựng thành phố thông minh hay không?