Lễ hội truyền thống
Nét mới trong đời sống tinh thần người dân khu phố cổ
Lễ hội nghề kim hoàn tại đình Kim Ngân (số 42-44 phố Hàng Bạc) được tổ chức vào tháng 2 (âm lịch) vừa qua đã thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch. Lễ hội cũng nhận được sự quan tâm của cộng đồng dân cư, nhất là người dân phố Hàng Bạc. Nhiều nghệ nhân kim hoàn đã đến đình Kim Ngân trình diễn các thao tác nghề nghiệp, giới thiệu nghệ thuật kim hoàn Việt
Tại đây còn có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ khách tham quan. Việc khôi phục những lễ hội trong khu vực phố cổ thật sự đã đem lại nét mới trong đời sống tinh thần nhân dân nơi đây.
Kể từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, nhiều lễ hội dân gian được khôi phục. Khu phố cổ vốn là địa bàn có nhiều lễ hội truyền thống độc đáo. Nhưng trong khi các lễ hội trên khắp cả nước được khôi phục, phát huy giá trị, thì mãi đến thập niên đầu của thế kỷ này, mới chỉ có vài lễ hội được tổ chức, với nghi lễ đơn giản. Nguyên nhân là do có thời gian dài việc quản lý cơ sở di tích lỏng lẻo, khiến nhiều di tích bị xâm hại, rất nhiều di tích bị người dân chiếm dụng để ở.
Mặt khác, do biến động dân cư, nhiều người dân ở các địa phương khác về sinh sống tại đây, khiến ý thức về văn hóa truyền thống bị ảnh hưởng. Cùng với đó, không gian đô thị ngày nay cũng khác xưa khiến việc tổ chức lễ hội gặp rất nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, quận Hoàn Kiếm có chủ trương từng bước giải tỏa dân cư trong di tích, khôi phục các di tích. Tuy nhiên, nếu chỉ khôi phục di tích mà không khôi phục lễ hội thì mới chỉ khôi phục cái "xác" mà thiếu phần "hồn". Chính vì vậy, từ năm 2008, quận Hoàn Kiếm phối hợp Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội thực hiện đề án "Nghiên cứu tổ chức lễ hội trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm" để khôi phục lễ hội.
Việc nghiên cứu được các nhà khoa học uy tín tiến hành theo nguyên tắc khôi phục những yếu tố truyền thống, nhưng có chọn lọc để phù hợp với không gian, trình độ dân cư của khu phố cổ. Bắt đầu từ năm 2009, 14 lễ hội đã được triển khai đồng bộ. Quận Hoàn Kiếm đã phân cấp tổ chức, quản lý.
Theo đó, bảy lễ hội lớn, gồm: Lễ hội đền Bạch Mã, Lễ hội Trung thu phố cổ, Lễ hội vua Lê đăng quang, Lễ hội đình Kim Ngân... được quận đứng ra tổ chức 5 năm/lần, những năm còn lại do phường tổ chức. Bảy lễ hội còn lại gồm: Lễ hội đình - đền - chùa Vũ Thạch, Lễ hội chùa Cầu Ðông, Lễ hội đình Thanh Hà, đền Phù Ủng... do các phường tổ chức.
Trong số này, có một số lễ hội mới được tổ chức, nhằm mục đích tôn vinh truyền thống, và tạo thêm sản phẩm du lịch như: Lễ hội Liên khu I, Lễ hội vua Lê đăng quang...
Các lễ hội thường diễn ra hai phần: Phần lễ thực hiện theo các nghi thức cổ truyền, với sự tham vấn của các nhà khoa học; phần hội gồm các hoạt động văn hóa quần chúng, biểu diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian...
Lễ hội đình Kim Ngân là một lễ hội khá thành công. Các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trình diễn nghề truyền thống thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách tham quan. Trong khi đó, lễ hội đền Bạch Mã với việc khôi phục nghi thức "tiến Xuân ngưu" (tức tục lệ dâng trâu mùa xuân, với ý nghĩa tiễn mùa đông, đón mùa xuân, do con trâu tượng trưng cho tháng cuối cùng trong năm) đã tạo nên một lễ rước trâu, hóa trâu hoành tráng, đẹp mắt, tạo ấn tượng đẹp đối với khách du lịch.
Thời gian qua, đặc biệt là dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đã di dời hàng chục hộ gia đình để tu bổ các di tích như: đền Bạch Mã, đình Kim Ngân, đình Yên Thái, đình phả Trúc Lâm... Những ngày đầu năm 2013 này, quận đã hoàn thành di dời 13 hộ gia đình khỏi quán - chùa Huyền Thiên (cạnh chợ Ðồng Xuân), di dời tám hộ gia đình khỏi chùa Vĩnh Trù để chuẩn bị cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2010-2015, quận Hoàn Kiếm xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn. Việc khôi phục di tích, khôi phục lễ hội không chỉ góp phần bảo vệ di sản truyền thống, mà còn tạo thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.