Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đến năm 2010
07/11/2014 | 00:00 | Lượt xem: 611
I- DỰ BÁO CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI QUẬN HOÀN KIẾM THỜI KỲ 2001-2010.
1- Xu thế hiện đại hoá đời sống kinh tế - xã hội tại các đô thị.
Khác với các quận giáp ranh giữa nội và ngoại thành, Hoàn Kiếm ít chịu tác động của quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá theo chiều rộng. Thay vào đó Hoàn Kiếm chịu tác động mạnh mẽ của quá trình hiện đại hoá đô thị. Quá trình đó thể hiện ở những đặc trưng cơ bản:
+ Tin học hoá các hoạt động kinh tế - xã hội.
+ Chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế dịch vụ.
+ Chuyển từ công nghiệp sản xuất những sản phẩm thô, nặng tốn nhiều năng lượng và nguyên liệu sang sản xuất những sản phẩm tinh gọn, tiêu hao ít năng lượng và nguyên liệu, song lại kết tinh trong đó nhiều chất xám.
+ Chuyển từ quá trình xây dựng các công trình ồ ạt, sang quá trình hoàn thiện hệ thống công trình kiến trúc đã có.
Với xu thế đó, trong qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Hoàn Kiếm, sẽ rất cần sự bố trí, sự định hướng đồng bộ các ngành, các lĩnh vực cùng đi theo xu hướng phát triển theo chiều sâu, phải tiếp cận ngay với những thành tựu mới của khoa học và công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ, đặc biệt là các ngành dịch vụ tài chính, thông tin, tư vấn v.v... rất cần và có điều kiện để đi thẳng vào công nghệ tiên tiến của thế giới trong quá trình phát triển.
Trong xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, việc chuyển chức năng sử dụng đất công nghiệp thành đất dịch vụ là tất yếu. Đối với những doanh nghiệp công nghiệp còn lại trên địa bàn Quận (phần nhà xưởng), cũng cần chuyển hướng sang sản xuất những sản phẩm tinh xảo, tốn ít nguyên vật liệu, ít phế thải và kết tinh nhiều lao động chất xám.
2- Tiến bộ khoa học và công nghệ mới.
Sang thế kỷ 21, công nghệ thông tin và những tiến bộ mới về khoa học trong công nghệ thông tin sẽ là nhân tố chi phối mạnh mẽ tất cả các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội. Đối với Hoàn Kiếm, nhân tố này vừa tạo ra những cơ hội mới, vừa đặt ra những thách thức mà Hoàn Kiếm phải vượt qua trong quá trình phát triển.
Cơ hội được thể hiện ở khía cạnh: Hoàn Kiếm có thể chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế trên địa bàn theo hướng phát triển các ngành công nghiệp sạch, các ngành dịch vụ cao cấp. Những ngành kinh tế mới đó cho phép Hoàn Kiếm phát triển kinh tế phù hợp với yêu cầu của một quận nội thành, và hơn nữa, là quận nội thành cổ kính và trung tâm của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hoàn Kiếm có điều kiện thuận lợi là khoa học và công nghệ thông tin đã đạt tới trình độ cao, sẽ cho phép Hoàn Kiếm phát triển những ngành kinh tế có hàm lượng chất xám cao. Quá trình đó đòi hỏi phải chuyển đổi chức năng sử dụng của một số khu đất trên địa bàn Hoàn Kiếm. Trong những điều kiện lịch sử của Hoàn Kiếm, việc chuyển chức năng sử dụng đất là không đơn giản. Đó cũng chính là một trong những thách thức trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Quận.
Sự phát triển cao của khoa học và công nghệ cũng đòi hỏi phải cải tạo hệ thống các yếu tố của hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống truyền dẫn thông tin. Sự cải tạo đó trong điều kiện phố phường được định hình từ hàng chục năm qua, là việc làm không đơn giản. Đó là cái khó của quận nội thành cổ xưa trong quá trình tiếp tục phát triển.
3- Về khả năng khai thác các nguồn vốn.
Trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của Hoàn Kiếm trong quá trình phát triển đều cần nhiều vốn. Những nhân tố có thể cho phép khai thác được nhiều vốn hơn cho đầu tư phát triển trên địa bàn quận Hoàn Kiếm như sau:
- Xu thế toàn cầu hoá nền kinh tế quốc tế. Điều này sẽ cho phép nước ta, Hà Nội, và trong đó có Hoàn Kiếm, có nhiều cơ hội để tạo lập các mối quan hệ với nước ngoài, qua đó để thu hút vốn đầu tư.
- Cơ chế quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước ta ngày càng thông thoáng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Vấn đề này nếu được giải quyết hợp lý, sẽ cho phép nước ta, Hà Nội có thể nắm bắt kịp những vận hội quốc tế đưa lại.
- Phố cổ, phố trung tâm là vấn đề không riêng của Hoàn Kiếm, mà là của Thủ đô, của cả nước. Nhân tố này sẽ tạo cho Hoàn Kiếm lợi thế nhất định so với các Quận khác về bố trí các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước.
- Uy tín của Hoàn Kiếm vẫn là sức hút rất mạnh nguồn vốn đầu tư phát triển các ngành dịch vụ trên địa bàn Quận.
Tuy vậy, cũng cần phải thừa nhận một thực tế là: rất nhiều địa phương đang cần vốn và cũng có những lợi thế nhất định thu hút vốn đầu tư. Hơn nữa, Hoàn Kiếm bên cạnh những lợi thế, cũng có những hạn chế trong thu hút vốn đầu tư. Do vậy, vấn đề là cần tìm được điểm đột phá khai thác được lợi thế vượt trội, đồng thời tránh né những thế yếu của Hoàn Kiếm trong qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
4- Dự báo về qui mô dân số trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đến năm 2010.
Theo số liệu thống kê, trong 5 năm qua, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân mỗi năm 1,09%. Đây là tỷ lệ tăng gần đạt đến tỷ lệ lý tưởng: xấp xỉ 1%/năm, khi dân số đã ổn định, và mỗi cặp vợ chồng chỉ đẻ 2 con. Theo mục tiêu phấn đấu của quận Hoàn Kiếm, sẽ duy trì tỷ lệ tăng tự nhiên khoảng 1%/năm trong 10 năm tới. Đây là mục tiêu có tính khả thi cao, nhờ công tác kế hoạch hoá gia đình đã trở thành nền nếp trong đời sống xã hội ở Quận.
Cũng trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm số người giảm cơ học là 490 người, đạt tỷ lệ giảm 0,27%/năm. Đây là sự giảm tự phát, chưa có tác động lớn của các biện pháp vĩ mô về kinh tế và hành chính.
Như vậy, tỷ lệ tăng dân số thực tế mấy năm qua là 0,82%/năm.
Theo quyết định 96/2000/QĐ-UB, ngày 7 tháng 11 năm 2000 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt qui hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm (phần qui hoạch sử dụng đất và qui hoạch giao thông), tổng dân số dự kiến đến năm 2005 sẽ là: 154.000 người, theo đó, tỷ lệ giảm dân số bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2001-2005 sẽ là: - 1,77; Dân số đến năm 2020 sẽ là 130.000 người, theo đó tỷ lệ giảm dân số bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2006-2020 sẽ là: -1,13%.
Từ thực tiễn về tỷ lệ tăng dân số mấy năm qua, chúng tôi cho rằng dân số Hoàn Kiếm đã đến thời kỳ đạt tỷ lệ tăng tự nhiên ổn định khoảng 1%/năm.
Căn cứ vào khả năng giảm dân số trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, qui hoạch dự kiến 03 phương án về qui mô dân số trên địa bàn Hoàn Kiếm như sau:
Biểu 49: Dự kiến các chỉ tiêu về dân số theo các phương án.
Bình quân 1996-2000 | Bình quân 2001-2005 | Bình quân 2006-2010 | |
Phương án I |
|
|
|
- Tỷ lệ tăng tự nhiên (%/năm) | 1,09 | 1,00 | 1,00 |
- Tỷ lệ tăng cơ học (%/năm) | - 0,27 | -1,00 | -2,00 |
- Tỷ lệ tăng dân số (%/năm) | 0,82 | 0 | -1,00 |
Tổng dân số* | 171.735 | 171.735 | 162.785 |
Phương án II |
|
|
|
- Tỷ lệ tăng tự nhiên (%/năm) | 1,09 | 1,00 | 1,00 |
- Tỷ lệ tăng cơ học (%/năm) | - 0,27 | -1,61 | -2,26 |
- Tỷ lệ tăng dân số (%/năm) | 0,82 | -0,61 | -1,26 |
Tổng dân số* | 171.735 | 165.000 | 155.000 |
Phương án III |
|
|
|
- Tỷ lệ tăng tự nhiên (%/năm) | 1,09 | 1,00 | 1,00 |
- Tỷ lệ tăng cơ học (%/năm) | - 0,27 | - 2,77 | - 2,13 |
- Tỷ lệ tăng dân số (%/năm) | 0,82 | - 1,77 | - 1,13 |
Tổng dân số* | 171.735 | 154.000 | 143.800 |
Ghi chú: * Chỉ tiêu tổng dân số là số dân ở năm cuối của giai đoạn.
Sự khác nhau cơ bản giữa ba phương án nói trên là mức độ chi phí tài chính từ ngân sách Nhà nước cho mục tiêu giảm mật độ dân số trên địa bàn Hoàn Kiếm và theo đó là mức độ giảm dân số sẽ đạt được cũng sẽ khác nhau. Ở phương án 1, trong giai đoạn 2001-2005, chi tiêu tài chính của Nhà nước chủ yếu thông qua các chính sách khuyến khích những hộ có hộ khẩu tại Hoàn Kiếm, có tiềm lực tài chính mua gọn từng số nhà, từng ngôi biệt thự; khuyến khích dùng các ngôi biệt thự vào mục đích kinh doanh, hạn chế các hộ ngoài Hoàn Kiếm đến mua nhà tại Hoàn Kiếm.
Ở phương án 2, ngoài định hướng như phương án 1 cần có một phần bao cấp của Nhà nước chi cho mục tiêu dãn dân khỏi quận Hoàn Kiếm. Trong hai năm 2000-2001, Quận đã xây dựng dự án dãn dân. Theo dự án này có thể dãn được khoảng 6.000 dân khỏi địa bàn Quận. Tuy nhiên, dự án vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Nếu được Trung ương và Thành phố hỗ trợ, trong giai đoạn 2001-2005 dự án có thể được thực hiện. Như vậy, ngoài những giải pháp mang tính định hướng để không tăng dân số trên địa bàn, ở phương án 2, nếu được thực hiện, đến năm 2005 sẽ có thể giảm 6000 dân so với PA1, tức là tổng dân số đến năm 2005 khoảng 165.000 người. Trong giai đoạn 2006-2010, cố gắng thực hiện dãn 10.000 dân khỏi địa bàn Quận. Phương án 2 là phương án mà ngân sách Nhà nước có thể chịu đựng được.
Ở phương án 3, yêu cầu chi tiêu trực tiếp từ ngân sách Nhà nước lớn hơn PA 2. Đây là phương án mang tính cách mạng. Tuy nhiên, nếu với sự tăng trưởng kinh tế như một vài năm qua, thì khả năng tài chính để thực hiện phương án 3 là rất khó khăn.
UBND quận Hoàn Kiếm chọn phương án 2 về dự báo qui mô dân số.
II- QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI QUẬN HOÀN KIẾM.
1- Phát triển kinh tế - xã hội quận Hoàn Kiếm phải phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, trong đó qui định Hoàn Kiếm thuộc khu vực hạn chế phát triển. Nội dung hạn chế chủ yếu là hạn chế xây dựng các công trình cao tầng; hạn chế gia tăng dân số. Quan điểm này đặt ra cho sự nghiệp phát triển kinh tế trên địa bàn Hoàn Kiếm một bài toán nan giải: phải đảm bảo tăng trưởng nhanh nhưng không được kéo theo sự gia tăng dân số. Do vậy, việc lựa chọn và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý và xây dựng cơ cấu kinh tế phù hợp là rất cần thiết trong chiến lược phát triển của Hoàn Kiếm.
2- Phát triển kinh tế - xã hội quận Hoàn Kiếm phải tạo được sắc thái văn hoá riêng: kết hợp hài hoà những yếu tố hiện đại bên cạnh những yếu tố truyền thống cổ kính, góp phần xây dựng văn hoá Thủ đô giàu bản sắc dân tộc và truyền thống Thăng long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch trên dịa bàn quận Hoàn Kiếm không thể tách rời với việc xây dựng và quản lý đô thị, bảo tồn và tôn tạo phố cổ, phù hợp với vị thế của Quận.
3- Phát triển kinh tế - xã hội của Hoàn Kiếm phải được đặt trong quan hệ hữu cơ với các quận, huyện khác của Thủ đô, và với các vùng khác trong khu vực và cả nước.
4- Phát triển kinh tế phải đi đôi với giải quyết những vấn đề xã hội, trong đó cần chú trọng giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đời sống cho người có công với cách mạng và nhà ở cho người có thu nhập thấp.
5- Phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Hoàn Kiếm phải đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới.