Thông tin hoạt động của Thành phố Thông tin hoạt động của Thành phố

Hà Nội: Chuyển cán bộ, công chức làm việc cấp xã thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính
19/11/2024 | 20:06  | Lượt xem: 33

Nội dung này được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 15, điểm a khoản 3 Điều 52 Luật Thủ đô năm 2024.

Tại kỳ họp chuyên đề sáng 19-11, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua quy định việc chuyển cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

59bca7ed303a8b64d22b(1).jpg

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: Viết Thành

Theo UBND thành phố, thực tiễn hiện tại, đội ngũ cán bộ làm việc tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố theo quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10-6-2023 của Chính phủ là cán bộ được bầu cử, chưa được bổ nhiệm ngạch công chức (chỉ được xếp lương theo ngạch). Một số đồng chí chưa đạt chuẩn theo quy định (chưa có trình độ chuyên môn đại học) hoặc giữ chức danh cán bộ khi đã nghỉ hưu.

Còn đội ngũ công chức phường đang thực hiện thí điểm chuyển thành công chức hành chính, được bổ nhiệm ngạch công chức theo Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ (Nghị định này hết hiệu lực kể từ ngày 1-1-2025). Công chức phường do UBND quận, thị xã tuyển dụng.

Việc sử dụng công chức phường chưa có tính liên thông, khi thực hiện điều động, luân chuyển công chức phường đến cơ quan chuyên môn từ cấp huyện trở lên vẫn phải thực hiện việc kiểm tra sự phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm. Đội ngũ công chức làm việc tại xã, thị trấn trên địa bàn thành phố chưa được bổ nhiệm ngạch công chức (chỉ được xếp lương theo ngạch). Công chức làm việc tại xã, thị trấn do UBND huyện, thị xã tuyển dụng. Một số công chức xã, thị trấn chưa có trình độ chuyên môn đại học theo yêu cầu của vị trí việc.

Để chuyển cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định hiện hành; thực hiện tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, thì việc ban hành Nghị quyết của HĐND thành phố có tính chất quy phạm pháp luật để thực hiện lâu dài việc chuyển cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội là cần thiết.

Mục đích, việc chuyển cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn thành cán bộ, công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính được giao hằng năm cho quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội phải đảm bảo nguyên tắc thống nhất, theo đúng quy định và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhanh gọn, hiệu quả.

Các nội dung này chưa được quy định hoặc khác với các quy định tại các văn bản của Chính phủ, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập, giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.

Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quy định về hợp đồng có thời hạn để đảm nhiệm một số vị trí việc làm

Cùng ngày, HĐND thành phố cũng thông qua Nghị quyết Quy định về hợp đồng có thời hạn để đảm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung trong cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố, thuộc UBND cấp huyện.

Cơ sở chính trị, pháp lý để ban hành nghị quyết này theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18-10-2012, phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” có một nội dung mang tính đột phá: “ Từng bước đổi mới chế độ công vụ, công chức theo hướng năng động, linh hoạt. Trước mắt, nghiên cứu quy định cho phép các cơ quan hành chính được ký hợp đồng lao động có thời hạn tối đa là 1 năm đối với một số vị trí để đáp ứng ngay yêu cầu của hoạt động công vụ. Về lâu dài, cần nghiên cứu sửa Luật cán bộ, công chức theo hướng có chế độ công chức hợp đồng.

Ngày 18-7-2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 40-KL/TƯ về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022- 2026, trong đó nêu rõ chủ trương tiếp tục tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước; biên chế được giao giai đoạn 2022-2026 không bao gồm lao động hợp đồng. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự quyết định việc sử dụng hợp đồng lao động và trả lương, phụ cấp cho lao động hợp đồng theo quy định từ ngân sách chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

Ngày 28-6-2024, Quốc hội khoá XV, kỳ họp thứ bảy đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2025; trong đó tại khoản 2 Điều 15 quy định: “Người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố, Chủ tịch UBND cấp huyện được ký hợp đồng có thời hạn với người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung trong cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố, thuộc UBND cấp huyện” và tại khoản 4 Điều 15 quy định: “HĐND thành phố quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này”.

Để bảo đảm thống nhất, giải quyết đồng bộ các chính sách và thể chế hóa đầy đủ quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nhưng vẫn đảm bảo có đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng, việc ban hành Nghị quyết về hợp đồng có thời hạn để đảm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung trong cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố, thuộc UBND cấp huyện là rất cần thiết.

Cũng theo đánh giá từ thực tiễn của UBND thành phố, trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội của Thủ đô đã có những bước phát triển vượt bậc, mang tầm vóc của một đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, yêu cầu về khối lượng, chất lượng công việc đối với các cơ quan, tổ chức hành chính ngày càng cao hơn.

Tuy nhiên, căn cứ vào số liệu báo cáo tại niên giám thống kê và các quyết định giao biên chế công chức của Bộ Chính trị năm 2024 cho thấy: Tỷ lệ công chức/người dân của cả nước là 1 công chức/750 người dân, của các cơ quan hành chính thuộc UBND thành phố Hà Nội là 1 công chức/1.139 người dân. Như vậy, tỷ lệ công chức/người dân của Hà Nội thấp hơn cả nước khoảng 1,5 lần. Để đảm bảo bằng mức trung bình của cả nước theo tinh thần Luật Thủ đô, các cơ quan hành chính của Hà Nội cần được giao bổ sung khoảng 3.000 biên chế công chức.

Mặt khác, tình trạng công chức thôi việc, chuyển ra khỏi khu vực công trong những năm gần đây ngày một gia tăng, dẫn đến thiếu hụt công chức làm việc tại một số thời điểm. Hằng năm, mặc dù thành phố đều thực hiện tổ chức tuyển dụng công chức với nhiều hình thức như thi tuyển, xét tuyển để bổ sung đối với các vị trí việc làm còn thiếu do nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác... Tuy nhiên, số lượng công chức trúng tuyển vẫn còn thấp hơn so với chỉ tiêu tuyển dụng. Thêm vào đó, vì một số lý do (nghỉ thai sản, ốm đau, đi học tập, công tác dài ngày, đi nước ngoài theo chế độ phu nhân/phu quân ngoại giao... ) nên số lượng công chức thực tế làm việc giảm.

Tổng hợp các yếu tố trên dẫn đến nhiều vị trí việc làm của công chức bị quá tải do khối lượng công việc lớn, tính chất phức tạp tăng, yêu cầu cải cách hành chính rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Vì vậy, cường độ lao động cũng như áp lực công việc đối với công chức Hà Nội là rất cao. Trong khi đó, quy định hiện hành của pháp luật không cho phép các cơ quan hành chính được ký hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến nhiều cơ quan, đơn vị còn chỉ tiêu biên chế nhưng không có người làm việc do chưa tuyển đủ hoặc tuyển nhưng không được.

Từ thực tiễn nêu trên, việc ban hành Nghị quyết về hợp đồng có thời hạn để đảm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung trong cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố, thuộc UBND cấp huyện nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập nêu trên là rất cần thiết.

Đối tượng áp dụng gồm: Người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Người ký hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ với cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố, UBND cấp huyện; các cơ quan, cá nhân có liên quan thuộc thành phố.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/ha-noi-chuyen-can-bo-cong-chuc-lam-viec-cap-xa-thanh-can-bo-cong-chuc-thuoc-bien-che-hanh-chinh-684939.html

 

 

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn Hà Nội có nên xây dựng thành phố thông minh hay không?