Quy hoạch đô thị Quy hoạch đô thị

Đề xuất phát triển đô thị mới tại quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
22/03/2021 | 19:39  | Lượt xem: 310

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) vừa được Ban Cán sự đảng UBND thành phố trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xin ý kiến, quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất sơ bộ xác định diện tích và các chức năng tại 8 khu vực bãi sông Hồng. Theo đó, thành phố dự tính dành 1.998ha/5.480ha đất khu vực bãi sông để phát triển đô thị mới.

Khu dân cư được tồn tại và cần di dời.

Phạm vi nghiên cứu 40km

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở có diện tích nghiên cứu khoảng 11.000ha (khoảng 40km dọc hai bên sông Hồng) thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc địa bàn 13 quận, huyện: Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng.

Đây sẽ là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa, dịch vụ, du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô; hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới, tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng...

Về hiện trạng sử dụng đất, trong tổng diện tích khoảng 11.000ha (trong đó, sông Hồng có diện tích 3.600ha), thì đất bãi sông có diện tích khoảng 5.480ha với đa dạng về loại hình: Trồng rau, hoa màu, hoa, cây cảnh, đất trống chưa sử dụng. Phần còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu vực làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu như các xã: Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt...; các khu phố nằm ngoài đê như khu dân cư các phường Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá... với diện tích khoảng 1.190ha và đất các công trình xã hội: Công cộng, trường học, công trình hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp (kho bãi, bến cảng...).

Bảo đảm tính thực tiễn, khả thi

Trong quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất của đồ án, có 8 khu vực bãi sông Hồng, gồm: Tàm Xá - Xuân Canh, Long Biên - Cự Khối, Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức, Bắc Cầu - Bồ Đề. Để bảo đảm tính thực tiễn và khả thi, cũng như nguồn lực thực hiện, quy hoạch phân khu đề xuất 5 bãi sông với khoảng 1.590ha (gồm: Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức) được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5%.

Riêng bãi Tàm Xá - Xuân Canh (khoảng 408ha) được phép xây dựng với tỷ lệ 15%. Các bãi sông trên được định hướng xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, các khu nhà ở sinh thái chất lượng cao đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và các công trình công cộng đô thị phục vụ cho dân cư hai bên sông và khu vực nội đô.

Khu vực bãi sông còn lại (Long Biên - Cự Khối, Bắc Cầu - Bồ Đề) được định hướng phát triển không gian mở với các loại hình: Không gian công viên - quảng trường đô thị, công viên ngập lũ, không gian sinh thái nông nghiệp nhằm đa dạng hóa việc sử dụng khu vực ven sông.

Với các khu dân cư tập trung được tồn tại có diện tích khoảng 1.165ha, được định hướng cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, được mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có (khoảng 60ha) để bổ sung hạ tầng xã hội và xây dựng các khu nhà ở phục vụ giãn dân, tái định cư tại chỗ.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Trong số 12 khu vực dân cư hiện hữu: Thượng Cát - Liên Mạc; Đông Ngạc - Nhật Tảo; Nhật Tân - Tứ Liên; khu vực dân cư các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng; Hoàng Mai - Thanh Trì; Chu Phan - Tráng Việt; Võng La - Hải Bối; Tàm Xá; Ngọc Thụy; Bắc Cầu; Bồ Đề; Đông Dư - Bát Tràng, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011, gọi tắt là QH1259), các khu dân cư hiện tập trung đông dân sinh sống trong không gian thoát lũ tại các quận phía Hữu Hồng (Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng) chưa được xem xét cụ thể cần di dời hay được tồn tại, bảo vệ, cải tạo chỉnh trang. UBND thành phố đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cho phép bổ sung vào danh mục được phép tồn tại.

Quy hoạch định hướng sử dụng đất.

Các khu dân cư: Bắc Cầu, Bồ Đề, theo QH1259 được tồn tại, cải tạo, chỉnh trang nhưng theo Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016) lại thuộc diện phải di dời.

Trong khi đó, một vướng mắc lớn hiện nay là cơ sở xác định ranh giới bãi sông để tính toán diện tích bãi nổi, bãi sông Hồng chưa được hướng dẫn xác định cụ thể, vì vậy, chưa đủ cơ sở để lựa chọn phương án quy hoạch sử dụng đất.

Để giải quyết các vướng mắc trên, tại Tờ trình gửi Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy; Ban Cán sự đảng UBND thành phố đề xuất giải pháp: Trước mắt, lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý sử dụng bãi sông và các khu vực dân cư để xác định rõ được tồn tại bảo vệ hay cần di dời. Trên cơ sở ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu UBND thành phố xem xét, chỉ đạo triển khai các bước tiếp theo về quy hoạch và đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

 

Chiến lược quy hoạch, phát triển Chiến lược quy hoạch, phát triển

 

 

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn Hà Nội có nên xây dựng thành phố thông minh hay không?