Lĩnh vực Tư pháp
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là hành lang pháp lý cho việc thực hiện công tác chứng thực hiện nay đã khá đầy đủ, bao gồm: Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao tử bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP; Thông tư số 226/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực; Công văn số 5438/VPCP-KSTT ngày 06/7/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai Dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và các văn bản khác có liên quan. Với hệ thống văn bản pháp lý được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đã giải quyết được những vướng mắc, bất cập, hạn chế của quy định pháp luật trước đây về công tác chứng thực; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết các việc về chứng thực một cách thuận lợi, thống nhất, góp phần tăng cường hiệu quả công tác chứng thực.
Trong thời gian qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã nghiêm túc quán triệt các quy định pháp luật, các văn bản chỉ đạo triển khai của Trung ương, Thành phố về công tác chứng thực tới cán bộ, công chức tư pháp quận, phường; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác chứng thực. Nhờ đó, công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về chứng thực trên địa bàn quận được thực hiện một cách đồng bộ, rõ ràng, tiết kiệm thời gian, tạo thuận lợi cho người dân hoàn tất thủ tục chứng thực nhanh, gọn, hiệu quả, mang lại sự hài lòng cho người dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chứng thực còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong việc xác định thể thức, nội dung văn bản được chứng thực; việc kiểm tra bản chính để xác định bản chính là thật hay giả, nhất là trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và sự xuất hiện của những hình thức làm giả giấy tờ tinh vi hiện nay; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình chứng thực bản sao điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia,... Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng trên là do kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác chứng thực còn chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Bên cạnh đó, một số cán bộ Tư pháp - hộ tịch, cán bộ Văn phòng - thống kê làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ chứng thực là cán bộ mới, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác chứng thực. Chính vì vậy, việc tổ chức lớp tập huấn nghiệp chuyên sâu pháp luật về công tác chứng thực, kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện chứng thực cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, công chức làm công tác chứng thực quận, phường là cần thiết.
Với mục đích nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác chứng thực trên địa bàn quận, sáng ngày 20/4/2023, Phòng Tư pháp đã phối hợp Trung tâm Chính trị quận tổ chức Lớp tập huấn nghiệp vụ tư pháp về công tác chứng thực cho cán bộ, lãnh đạo, công chức Tư pháp - hộ tịch, Văn phòng - thống kê quận, phường.
Các học viên đã được nghe đồng chí Lê Thu Hiền - Thạc sỹ, Chuyên viên chính - Phó Trưởng phòng Quản lý chứng thực, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp giảng các nội dung quy định cơ bản của pháp luật về chứng thực, kỹ năng nghiệp vụ công tác chứng thực và trao đổi, giải đáp một số khó khăn, vướng mắc của các đơn vị.
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo tại lớp tập huấn, đồng chí Trịnh Hoàng Tùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm yêu cầu các học viên tập trung tiếp thu nội dung bài giảng của báo cáo viên, vận dụng các kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ được truyền đạt để thực hiện tốt công tác chứng thực trên địa bàn quận./.
Trần Minh Hồng
Phòng Tư pháp